Vụ vỡ nợ chấn động quê nghèo
Gần 5 năm nay, hai vợ chồng Ngô Thị Trang và Nguyễn Văn Nghĩa (ở xóm Hòa Bình, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, Nghệ An) nổi lên như một điển hình làm kinh tế trang trại thành công trên địa bàn. Với tài làm ăn kinh tế, lại khéo ăn nói nên gia đình Trang rất có uy tin với nhiều nông dân tại địa phương...
Hàng chục nông dân ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, Nghệ An ngậm đắng nuốt cay sau vụ vỡ nợ hơn 7 tỷ đồng. Ảnh: Cảnh Thắng
Và rồi bằng uy tín, lòng tin ấy, Trang bắt đầu lợi dụng để thực hiện ý đồ của mình. Theo đơn tố cáo của chị Đặng Thị Hằng (SN 1976), trú xóm Phố, xã Giang Sơn Đông hai vợ chồng chị làm ruộng, gom góp được ít tiền, khi Trang đến hỏi vay, chị Hằng đã gom tiền của anh em nội ngoại để cho vay 4 lần với tổng số tiền là 175 triệu đồng.
Rồi đến bà Thái Thị Mai (SN 1964), trú xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông, hai vợ chồng đều làm ruộng, tranh thủ đi nhập mía cho các cửa hàng giải khát, cả đời gom góp được ít tiền để lo cho 3 đứa con ăn học. Nhưng khi Ngô Thị Trang đến hỏi vay tiền, bà Mai đã bàn với chồng cho Trang vay 3 đợt, với tổng số tiền 170 triệu đồng tiền mặt và 25 triệu tiền góp hụi.
Xót xa nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm của Ngô Thị Trang. Biết gia đình chị Hoa buôn bán có đồng ra đồng vào, lấy lý do phải đảo nợ ngân hàng, sáng ngày 12.6.2014 (âm lịch), Trang đến tỉ tê vay 100 triệu đồng, chiều cùng ngày vay thêm 130 triệu. Mấy ngày sau đó, Trang tiếp tục đến vay thêm 50 triệu đồng và lần sau cùng vào ngày 28.9, dù nợ cũ chưa trả nhưng Trang vẫn thuyết phục để chị Hoa đưa thêm 40 triệu đồng. Tổng số tiền mà Trang vay của gia đình là 320 triệu đồng, đến nay chưa trả được đồng nào...
Ngoài ra còn chị Bùi Thị Xuân, trú xóm Bắc Long, xã Giang Sơn Tây cho Trang vay 70 triệu tiền mặt. Chị Xuân đang làm chủ 4 “nóc phường” (như 4 nhóm góp hụi) nên đã cho Trang vay cả 4 “nóc phường” trị giá 365 triệu và 19 chỉ vàng...
Mất khả năng chi trả
Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho biết từ lâu gia đình Ngô Thị Trang phát triển mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả và trang trại của gia đình cũng đã tham gia vào dự án VietGAP của tỉnh Nghệ An... Cách đây khoảng 20 ngày UBND xã bắt đầu nhận được thông tin gia đình Trang có hoạt động tín dụng đen, có dấu hiệu vỡ nợ gây ra tâm lý hoang mang trong địa phương.
Sau khi chính quyền xã vào cuộc tìm hiểu thì được biết, hiện Ngô Thị Trang đã vay nợ hơn 7 tỷ đồng... Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho biết thêm, vấn nạn “phường, hụi” trên địa bàn tương đối phức tạp. Hiện tại Trang đã thừa nhận đã vay tiền của nhiều người dân trong và ngoài xã để phát triển kinh tế nhưng thua lỗ và nay không có khả năng thanh toán.
Bước đầu, Trang đã khai nhận từ năm 2010 Trang bắt đầu vay tiền của nhiều nông dân và tham gia chơi “phường, hụi”, thanh toán bằng hình thức tiền lãi tính ngày, tiền gốc lúc nào chủ nợ có nhu cầu rút thì báo trước để trả.
Hai bên thỏa thuận vay bằng cách ghi vào sổ nợ rồi ký nhận dân sự chứ không thông qua chính quyền địa phương.
Trang cũng thừa nhận đã vay của người dân trên địa bàn khoảng 7 tỷ đồng, mục đích là để trả lãi cho các con nợ, nộp tiền chơi phường, hụi và đầu tư vào kinh doanh, mở rộng trang trại gia đình.
Hiện tại, người đàn bà này cũng cho biết, mình không còn khả năng trả nợ. Tất cả nhà cửa và trang trại đã thế chấp vào ngân hàng để vay vốn...
Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Đô Lương.
Theo các nạn nhân, khi cho Ngô Thị Trang vay tiền, bên cạnh việc tin tưởng vào uy tín của vợ chồng này trong việc làm ăn, Trang luôn dặn chủ nợ không tiết lộ với ai. Cũng vì tin tưởng nên quá trình ghi nợ, hai bên chỉ thực hiện thỏa thuận dân sự thông qua viết và ký nhận vào một mảnh giấy, có khi là ký vào sổ kinh doanh tiểu thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.