Nhiều sinh viên liên tục bị mất đồ, dọa nạt khi đi xe buýt

Ngọc Phạm Thứ ba, ngày 19/04/2016 10:55 AM (GMT+7)
Sinh viên liên tục mất đồ trên xe buýt mà không lấy lại được, mua vé mà không được trả vé, khi thắc mắc thì bị đe dọa.
Bình luận 0

img

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường (ngoài cùng bên phải).

Đó là những phản ánh trực tiếp của các sinh viên trong diễn đàn trao đổi giữa Sở GTVT và sinh viên TP.HCM với chủ đề “Buýt đến trường - Buýt thân thiện” được tổ chức vào sáng nay 19.4.

Tham gia diễn đàn, Phùng Thị Diệu Hương (Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết, mối quan tâm đầu tiên của Hương và các bạn sinh viên cùng trường là vấn đề an ninh trên xe buýt. Các bạn sinh viên cùng trường thường xuyên bị mất đồ và không có cách nào để lấy lại, như trên các tuyến 104 và 33.

“Trước hết là do ý thức của bản thân sinh viên, nhưng Sở GTVT vận tải cũng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này”, Hương nói.

img

Phùng Thị Diệu Hương (Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) đang chia sẻ ý kiến góp ý cho hoạt động của xe buýt.

Bên cạnh đó, Hương chia sẻ về trường hợp của một nữ sinh viên cùng trường khi mua vé mà không được trả vé. Sau khi gọi phản ánh tới tổng đài, sinh viên được mời tới gặp trực tiếp để xử lý. Trong khi sinh viên này chưa kịp gặp tài xế, tiếp viên và các đơn vị liên quan để giải quyết thì đã nhận phải những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa.

Các sinh viên cũng góp ý, cần sử dụng hệ thống camera đồng bộ trên xe buýt. Dùng các màn hình sẵn có trên xe buýt để phổ biến các nội dung thời sự, kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế bên cạnh việc hiển thị nội dung quảng cáo.

Về vấn đề lắp đặt camera, ông Đậu An Phúc - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng khẳng định, tới cuối năm 2016, toàn bộ các tuyến xe buýt trên địa bàn TP.HCM sẽ được lắp đặt camera đồng bộ.

Một nam sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng góp ý thêm về việc sử dụng thẻ xe điện tử để giảm áp lực công việc cho tiếp viên, sử dụng xe buýt hai tầng giúp tăng lượng hành khách vận tải được mà lại giảm số tuyến, xây dựng các quầy dịch vụ giúp hành khách tới lấy lại hành lý thất lạc,...

Sinh viên Trần Minh Duy hiến kế thêm 3 giải pháp khác, gồm: Bổ sung loa thông báo trạm sắp tới, chế tài xử lý thanh niên khỏe mạnh ngồi ở ghế dành cho phụ nữ mang thai, trẻ em và người khuyết tật, tình trạng buôn bán hàng rong ở nhà chờ xe buýt, người vô gia cư ngủ ở ghế nhà chờ.

Nữ sinh viên khuyết tật Phan Thị Kim Vân đến từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ những khó khăn khi đi xe buýt. Theo Vân, việc di chuyển lên xuống xe buýt thường nhận được sự giúp đỡ của tiếp viên và các hành khách khác, tuy nhiên còn gặp khó khăn đối với phương tiện mang theo là xe lăn.

Gần một nửa lượng sinh viên không hài lòng với xe buýt

Trong sự kiện, Hội Sinh viên Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát ý kiến sử dụng dịch vụ xe buýt của 460 sinh viên trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, có 55% sinh viên hài lòng và 45% sinh viên không hài lòng hoặc hoàn toàn không hài lòng với dịch vụ này.

Theo báo cáo tổng hợp của Hội Sinh viên Việt Nam và Sở GTVT TP.HCM, mặc dù xe buýt đã giúp việc di chuyển của sinh viên tiết kiệm với chi phí thấp nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề, như: Một số tuyến có tình trạng đóng cửa và chạy khi khách chưa lên hoặc xuống xe, tài xế sử dụng còi quá nhiều, hiện tượng trộm cắp, quấy rối tình dục, thai độ nhân viên xe buýt ở một số tuyến còn phân biệt giữa hành khách đi vé tháng và các hành khách khác, các tuyến xe buýt qua 12 năm sử dụng đã xuống cấp,...

Cụ thể, điểm dừng xe buýt gần Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM (tuyến 43) thường có rất đông sinh viên đứng chờ, thời gian chờ lâu nhưng lại không có nhà chờ, tuyến 53 luôn trong tình trạng đông đúc, chen lấn vào mỗi buổi sáng, tuyến 20 và 65 còn tình trạng nhồi nhét sinh viên, chạy nhanh, chạy ẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem