TS Mai Văn Trịnh – Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, cho biết, trong điều kiện canh tác bình thường, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam làm phát sinh khoảng 95,74 triệu tấn CO2. Con số này đã giảm xuống mức 83,55 triệu tấn vào năm 2010 khi ngành nông nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự báo, tổng mức phát thải khí nhà kính ở Việt Nam do sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 vẫn ở mức cao, khoảng 96,7 triệu tấn. “Những loại khí này khi thoát ra môi trường sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính, làm Trái đất nóng lên, đồng thời tạo ra những biến đổi khí hậu khác, gây ra hiện tượng bão lũ thất thường, xâm nhập mặn… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp” - ông Trịnh giải thích.
Theo các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân tạo ra khí nhà kính khi canh tác lúa là tình trạng tưới tiêu không hợp lý, tạo điều kiện để nước và các phân tử khí khác gặp nhau. Do đó, để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật canh tác lúa tiến bộ như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ướt khô luân phiên… là những biện pháp hữu hiệu và rẻ tiền.
Tại ĐBSCL, một số địa phương có diện tích trồng lúa lớn đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ nông dân cải thiện biện pháp canh tác, quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Từ đầu năm 2014, tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và Phú Tân (An Giang), nhiều bà con nông dân hợp tác trồng lúa theo mô hình “1 phải, 6 giảm”. Cụ thể, ngoài “1 phải” (phải sử dụng giống xác nhận) và “5 giảm” (giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch) đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo áp dụng từ nhiều năm nay, hiện được bổ sung thêm “1 giảm” nữa là giảm phát thải khí nhà kính.
Còn theo Đề án Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 do Bộ NNPTNT phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng 3,2 triệu ha đất lúa ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ướt và khô luân phiên… 100% diện tích trồng lúa thực hiện thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ nhằm hạn chế tối đa việc đốt, vùi gây phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.