Nhiều thị trường đặt hàng, ngành cá tra có hết lận đận?

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 30/04/2021 05:28 AM (GMT+7)
Ngành hàng cá tra bắt đầu xu hướng giảm từ tháng 3/2019 đến hết năm 2020 sau gần 2 năm tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhờ kịp thời chuyển hướng, ngành cá tra dần phục hồi và từ đầu năm 2021 đến nay, bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường.
Bình luận 0

Nhiều thị trường đặt hàng mua cá tra

Để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng cá tra tồn kho, tạo động lực cho người nuôi, doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, trong năm 2020 Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã phối hợp Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức sự kiện "Kết nối sản xuất - tiêu thụ cá tra" trong khuôn khổ "Tuần hàng cá tra và sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020". 

Theo đó, có 8 liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp phân phối cá tra đã được ký kết tại hội nghị này. Các doanh nghiệp đã kết nối thành công đưa con cá tra ra thị trường miền Bắc; kết nối giữa Công ty Nam Việt với với một số tập đoàn lớn để đưa sản phẩm cá tra sang thị trường Nga (Công ty Mirator).

Thị trường cá tra nhiều tín hiệu sáng - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: T.L

Theo thống kê, sản lượng cá tra thu hoạch quý I/2021 ước đạt 321.000 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 47% sản lượng cá nuôi trồng và chiếm 34,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. 

Trong quý I, các tỉnh có sản lượng cá tra lớn như: An Giang đạt 105.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ đạt 33.200 tấn, tăng 0,3%. Diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh quý I ước đạt 3.180ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về thị trường cá tra nội địa, ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau khi các doanh nghiệp nỗ lực đưa cá tra ra miền Bắc, tín hiệu thị trường phản hồi rất tốt. Năm 2020 chúng ta xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, năm nay dự kiến sẽ đạt 1,6 tỷ USD.

Về giá cá tra nguyên liệu loại 850gr đến 1,1kg/con ở vùng ĐBSCL ổn định từ đầu năm đến trung tuần tháng hai, dao động ở mức 19.000-20.000 đồng/kg. 

Tuần cuối tháng hai đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng, hiện dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.

Đơn cử như tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất cá tra tại tỉnh này ước đạt 1.407 tỷ đồng, tăng 9,01% so cùng kỳ năm 2020 - tương đương 116 tỷ đồng. Giá cá tra thịt trắng loại 0,7 - 0,8kg/con ở mức giá hơn 21.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành ở huyện Châu Thành cho biết, giá cá tra nguyên liệu đang dao động từ 21.000 - 21.500 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu tăng là do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc; trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Đông Nam Á... bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng hơn. 

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp chế biến cá tra tiêu thụ mạnh trở lại.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 1/2021, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%. 

Xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại các thị trường: Mỹ tăng 51%, Mexico tăng 73%, Australia tăng 45%, Canada tăng 42%; các thị trường khác như Brazil, Colombia, Anh, Nga đều tăng từ 37-129%.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay diện tích nuôi cá tra trong tỉnh đạt hơn 1.294ha, diện tích thu hoạch hơn 224ha, sản lượng thu hoạch 92.880 tấn.

Trên quy mô toàn vùng, sản xuất giống cá tra năm 2020 tại các địa phương ổn định. Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 4.000ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng trên 2 tỷ cá tra giống; đã thay thế 60.000 con cá bố mẹ chọn giống, chất lượng con giống cá tra đang từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn, người nuôi cá tra ở Việt Nam đã giảm đáng kể sản lượng cá tra do thua lỗ liên tục trong 2 năm 2019 và 2020, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu thô cho lĩnh vực chế biến và xuất khẩu trong năm nay. Thêm vào đó, chi phí thức ăn và cá bột đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá cá tra thu mua tại ao duy trì ở mức cao.

Nhìn thấy triển vọng giúp con cá tra tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, đó là thuế xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU giảm đáng kể nhờ hiệp định EVFTA nên các doanh nghiệp, trong đó có Vĩnh Hoàn đã chớp cơ hội này để tăng doanh thu cá tra tại các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha.

Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng cho biết, dù đại dịch gây thiệt hại lớn cho toàn ngành thủy sản trong năm 2020, Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục sản xuất và dự kiến đầu tư 580 tỷ đồng vào các dự án như xây trại giống mới, cải tạo các trang trại hiện có, mở rộng nhà máy sản xuất collagen và xây kho đông lạnh mới… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem