Nhiều thủ đoạn tinh vi để mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người

Diệu Linh Thứ hai, ngày 06/02/2023 17:12 PM (GMT+7)
Theo cơ quan công an, đối tượng phạm tội mua bán bộ phận cơ thể người ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Tại Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua, bán bộ phận cơ thể người được Bộ Y tế ngày 6/2, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết cơ quan chức năng phát hiện các tội phạm mua, bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Nhu cầu ghép tạng lớn còn nguồn cung khan hiếm

Theo Thượng tá Trình, các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… trong đó, thận là phổ biến nhất với thủ đoạn tập trung tại các bệnh viện trên địa bàn các thành phố lớn tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép. 

Do nhiều người suy thận độ cao có nguy cơ tử vong, họ sẵn sàng trả tiền khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo chi phí xét nghiệm và thỏa thuận với người bán nên rất dễ có hành vi phạm tội này. 

Nhiều thủ đoạn tinh vi để mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người - Ảnh 1.

Đối tượng phạm tội chiếm đoạn, mua bán bộ phận cơ thể người ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng (Toàn cảnh hội thảo ngày 6/2). Ảnh CTV

"Sau khi có bên mua và bên bán, đối tượng tổ chức sắp xếp hai bên gặp nhau thỏa thuận giá cả mua bán thận, đồng thời hỗ trợ, tổ chức đưa người bán và người mua thận đi xét nghiệm. 

Nhiều đối tượng còn lập lên hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi tại các khu nhà trọ, nhà thuê để chờ bán thận. Với mỗi trường hợp môi giới, tổ chức mua bán thành công, các đối tượng hưởng lợi từ 150 đến 250 triệu đồng", Thượng tá Trình chia sẻ.

Về thủ đoạn môi giới, theo Thượng tá Trình, các đối tượng hoạt động chủ yếu thông qua các hội, nhóm kín trên mạng xã hội hoặc qua giao dịch trực tiếp với những người có nhu cầu mua (ghép) mô.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các bệnh viện phẫu thuật ghép tạng.

Nhiều đối tượng hoạt động phạm tội trước đây đã từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết được nhu cầu và lợi nhuận cao nên đã câu kết, móc nối với các đối tượng khác hình thành đường dây hoạt động phạm tội.

"Đối tượng phạm tội ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; hoạt động theo băng, ổ nhóm, mỗi đối tượng có nhiệm vụ khác nhau như tiếp cận, làm quen với bên mua và bên bán; xét nghiệm, thỏa thuận giá cả; làm giả giấy tờ,… nhằm che giấu mục đích thương mại dưới các lý do nhân đạo, phi lợi nhuận ẩn dưới kinh phí hỗ trợ thuốc men, điều trị tự phục hồi sức khỏe.

Đặc biệt, giai đoạn hiện nay các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán một cách bí mật. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống "chân rết" để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể", Thượng tá Trình cho biết.

Thượng tá Trình cũng chỉ ra nguyên nhân gia tăng loại tội phạm này trong thời gian gần đây. Đó là vì những người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể người ở trong hoàn cảnh đặc biệt, nhiều trường hợp đấu tranh giành giật sự sống nên cố gắng tìm đủ mọi cách để làm theo hướng dẫn của đối tượng phạm tội, chấp nhận số tiền lớn miễn đạt được mục đích của mình, thậm chí hỗ trợ đối tượng che giấu hành vi phạm tội.

Nhiều thủ đoạn tinh vi để mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người - Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, từ năm 1992 đến nay, nước ta thực hiện gần 7.300 ca ghép mô, tạng với 8 loại bộ phận cơ thể. (Một ca ghép ghan tại Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh BVCC)

Hơn nữa, lợi nhuận thu được từ hoạt động phạm tội có thể rất lớn, bộ phận cơ thể người được đưa ra nước ngoài có thể có giá nhiều tỷ đồng, đây là một trong những yếu tố thúc đẩy động cơ phạm tội của đối tượng. Nhiều đối tượng có "quan hệ" với các nhân viên y tế có thẩm quyền để được lên lịch phẫu thuật nhanh, móc nối để xét duyệt hồ sơ nhanh gọn, che giấu đi yếu tố thương mại…

Còn những người bán bộ phận cơ thể trong các vụ án luôn che giấu không để quần chúng nhân dân và cơ quan chức năng phát hiện; nhiều bị hại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách do tham gia vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, đang nợ nần với lãi xuất cao không có khả năng chi trả. "Nhiều bị hại có nhận thức hạn chế, cho rằng việc bán bộ phận cơ thể như vậy không quá ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của bản thân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người bán thận trong các vụ án đã đấu tranh, triệt phá giám định họ đều bị tổn hại sức khỏe từ ít nhất 45 - 69% sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật", Thượng tá Trình cho biết,

Một trong lý do nữa là nguồn cung mô, bộ phận cơ thể người thông qua việc hiến quá ít, không đáp ứng được nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể để chữa bệnh. Nhu cầu được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể là rất lớn và ngày càng gia tăng. Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 - 6.000 người suy thận mạn cần được ghép thận nhưng không có nguồn cung cấp cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Cần có quy định chặt chẽ ngăn chặn mua bán bộ phận cơ thể người

Theo Bộ Y Việt Nam hiện có 24 trung tâm ghép tạng. Từ năm 1992 đến nay, nước ta thực hiện gần 7.300 ca ghép mô, tạng với 8 loại bộ phận cơ thể. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột... Đến thời điểm này cả nước có hơn 63.500 người đăng ký hiến sau khi chết, chết não.

GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng  Bộ Y tế cho biết nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép tạng; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác.

Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm chủ yếu, với hơn 90% tổng số ca ghép tạng.

Bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua, bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng yêu cầu phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.

Đề xuất các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn mua, bán bộ phận cơ thể người, ông Thuấn cho biết Bộ Y tế đang hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người sửa đổi, trình Quốc hội trong thời gian tới.

"Về phòng, chống mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, chúng ta quan tâm đến các vấn đề, như: bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến, ghép không cùng huyết thống không?"- ông Thuấn nói. 

Trước tình trạng buôn bán tạng ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ Luật Hình sự

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người. Đồng thời chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem