Ngày 16/4, nhiều tỉnh thành trên cả nước kết thúc lệnh cách ly toàn xã hội, bắt đầu trở lại hoạt động kinh doanh như thường nhật. Theo ghi nhận của PV tại một số tỉnh lân cận Hà Nội như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… hầu hết các mặt hàng kinh doanh từ thực phẩm, hàng tạp hóa, quần áo, đồ điện tử tới các dịch vụ như rửa xe; cắt tóc - gội đầu… đều đồng loạt mở cửa trở lại.
Các hàng quán trên nhiều tuyến phố đồng loạt gỡ biển “tạm nghỉ” để trở lại kinh doanh sau ngày 15/4.
Cũng tại những địa phương này, đường phố bắt đầu đông đúc hơn nhưng hoạt động kinh doanh lại vô cùng ảm đạm, sức mua không thay đổi nhiều so với những ngày cách ly xã hội và giảm khoảng 40% so với những ngày trước cách ly.
Ghi nhận ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) - một địa phương điển hình cho hoạt động kinh doanh buôn bán tại các tỉnh lẻ - thì trong mùa dịch Covid-19, sức mua được phân loại thành 3 mức độ khác nhau tương ứng với các mặt hàng, dịch vụ khác nhau.
Rửa xe là một trong những hoạt động kinh doanh đắt khách nhất trong những ngày đầu tiên hết cách ly xã hội.
Cụ thể, dịch vụ đắt khách nhất ngay sau khi hết hạn cách ly xã hội là rửa xe, cắt tóc gội đầu và làm móng. Sau đó tới các hàng quán buôn bán thực phẩm; đồ tạp hóa. Ế ẩm nhất là kinh doanh điện tử điện lạnh và một số cửa hàng cà phê; đồ ăn nhanh…
Anh Tuấn Anh – chủ một tiệm rửa xe ở Thanh Ba - cho biết: “9h sáng 16/4, tôi bắt đầu mở lại cửa hàng, sau đó có loạt xe tới rửa cả ô tô và xe máy. Đến chiều tối cùng ngày, cửa hàng rửa khoảng 10 chiếc ô tô và 15 chiếc xe máy, tăng khá nhiều so với mức trung bình thường ngày”.
Quán trà chanh nổi tiếng đông khách trước kia giờ lại đìu hiu, vắng vẻ.
Cửa hàng kinh doanh điện tử - điện lạnh cũng không khá hơn.
Trong khi đó, cùng mở cửa hôm 16/4 nhưng một tiệm trà chanh lớn nổi tiếng đông khách lại ngán ngẩm bởi cả ngày không bóng khách. “Quán đã đoán trước được tình hình nên chỉ mở như thông báo để mọi người biết sẽ tới quán vào những ngày sau. Tôi mong quán sẽ sớm lấy lại được doanh thu như những ngày trước dịch”, anh Hải (chủ tiệm trà chanh) chia sẻ.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm quan trọng vẫn được duy trì kinh doanh, vì thế ngày đầu tiên sau khi hết cách ly sức mua của người dân không có nhiều thay đổi. Do ở tỉnh lẻ, sức tiêu thụ nhỏ nên người dân không lo tích trữ, vì vậy việc mua bán trao đổi hàng hóa thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày.
Một số cửa hàng tạp hóa vẫn duy trình kinh doanh nên sức mua không có nhiều thay đổi.
Nguyên nhân của tình trạng vắng vẻ được người dân địa phương chia sẻ phần nhiều do thói quen sinh hoạt những ngày trong thời gian cách ly, đến nay chưa thể “bắt nhịp” với cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, ngoài nhu yếu phẩm cần thiết, người dân hạn chế ra đường và tụ tập nơi đông người vì còn lo lắng dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Anh Hạ Đoan (một người dân địa phương) cho biết: “Mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình không có nhiều thay đổi. Sau 15 ngày, ngoài việc rửa xe, gội đầu hoặc sửa chữa đồ gia dụng… tôi cũng yêu cầu các con hạn chế ra đường, la cà quán xá tới khi tình hình dịch bệnh được ổn định.”
Khung cảnh vắng vẻ tại một số cửa hàng ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) dù đã hết lệnh cách ly.
Hoạt động kinh doanh ở một số tỉnh lẻ gần Hà Nội được nhiều chủ cửa hàng địa phương dự đoán sau 1 – 2 tuần nữa mới thực sự trở lại bình thường. Không dám kỳ vọng doanh thu “khủng” nhưng những người này luôn mong muốn có thu nhập ổn định để dần bù lỗi cho những ngày “nghỉ không lương” vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.