Che bạt cho bệnh nhân nằm
Ngày 1-10, chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế xã Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An). Đang nằm chờ truyền dịch, anh Phạm Sĩ Tráng cho hay, cuối tháng 9-2010, rất nhiều gia đình trong xã cả nhà bị SXH. Nhiều nhà có đến 4 - 5 người cùng mắc một lúc. Gia đình anh Tráng đầu tiên chỉ có vợ anh là chị Lê Thị Nga bị sốt, đau đầu…
|
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân, bệnh nhân SXH phải nằm ghép 2 bệnh nhân/giường. |
Sau khi chị Nga ra Trạm Y tế xã điều trị thì đến anh Tráng cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Anh Tráng nói: “Vì trong xã có nhiều gia đình cùng mắc nên vợ chồng tôi nhanh chóng ra trạm xá để được truyền dịch sớm, nhưng đã 10 ngày nay bệnh vẫn chưa dứt”. Hiện, Trạm Y tế xã Diễn Phúc chỉ có vài giường, không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm nên Trạm xá đành dùng biện pháp tình thế là căng bạt che mưa nắng cho bệnh nhân.
Tình trạng căng bạt cho bệnh nhân SXH nằm cũng diễn ra ở Hà Tĩnh. Ông Võ Viết Quang - Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh cũng đã phải dựng rạp điều trị cho bệnh nhân bởi Trạm Y tế xã chỉ có 5 giường lưu.
Điều đáng nói, bệnh nhân mắc SXH dồn dập ngay sau cơn bão số 3 (ngày 25-8) ở Hà Tĩnh nên bệnh nhân đa số điều trị tại Trạm Y tế xã, chỉ những trường hợp nặng mới chuyển tuyến trên. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân thường phải ghép 2 bệnh nhân/giường.
Muỗi “tấn công” trẻ em
Theo các cán bộ y tế dự phòng, nơi khó diệt bọ gậy nhất chính là những nơi chứa lốp ô tô hỏng để ngoài trời. Trên địa bàn Hà Tĩnh dọc theo Quốc lộ 1 có khoảng 7 hàng chứa lốp xe hỏng. Nhiều lần kiểm tra, cán bộ y tế đều phát hiện trong những lốp xe hỏng đó có nước mưa tù đọng và bọ gậy, loăng quăng đã sinh sôi.
Nếu không phát hiện tiêu diệt kịp thời thì đây là ổ muỗi vằn khổng lồ trong vòng ít ngày, là tác nhân truyền bệnh.
Điều đáng nói là năm nay tại Hà Tĩnh số trẻ em mắc SXH cao hơn năm ngoái rất nhiều. Có trên 280 trẻ em mắc SXH trong tổng số trên 760 ca của toàn tỉnh. Bác sĩ Trịnh Khắc Huệ - Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết thêm, ngoài trẻ em có rất nhiều học sinh, sinh viên lứa tuổi 17 - 18 mắc SXH. “Có thể trẻ em là đối tượng ở nhà nhiều vào thời điểm sáng sớm và chiều tối nên bị muỗi vằn đốt nhiều.
Còn các em, lứa tuổi 17 - 18 có thể do trời nóng nực đã cởi trần, mặc quần đùi ngủ không mắc màn” - ông Huệ phỏng đoán. Em Hoàng Hồng Khanh, 18 tuổi, ở thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên là bệnh nhân đầu tiên của xã bị SXH.
Gia đình cho biết, em ra trường tập trung khoảng 10 ngày, trở về bị sốt cao nhiều ngày không khỏi, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã mới biết bị SXH. Hoặc như em Nguyễn Thùy Trang, 18 tuổi, ở thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên đi trọ học cách nhà 12km. Sau hơn 1 tuần ở trọ cùng các bạn Trang cũng bị mắc SXH.
Đặc biệt, SXH dễ bị nhầm với sốt siêu vi nên người bệnh và gia đình chủ quan. Mẹ bệnh nhân Nguyễn Thùy Trang kể: “Cách đây 1 tuần, cháu bị sốt, gia đình nghĩ đơn thuần cháu bị sốt virus, vì vậy, sau 2 ngày chữa tại trạm xá thấy ổn, gia đình đã cho cháu về nhà. Không ngờ hôm sau cháu bị đau bụng, nôn ra máu và gia đình lại đưa cháu trở lại Trạm Y tế xã để chữa trị, xét nghiệm mới biết cháu bị SXH”.
Ông Võ Viết Quang cho hay, đa số bệnh nhân SXH thể nhẹ, trong đó rất nhiều bệnh nhân không có triệu chứng điển hình nên dễ bị nhầm lẫn với sốt virus hoặc không được phát hiện bệnh kịp thời.
Hồng Hoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.