Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Lê Thu Hương, có con học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Sáng nay tôi nhận được thông báo từ nhà trường về việc có thể đón học sinh sớm vào chiều nay. Cụ thể nhà trường thông báo căn cứ tình hình mưa bão, ngập đường trong tuần này, phụ huynh có thể chủ động đón con từ 15h30. Gia đình nào bị ngập đăng ký với nhà trường để lưu trú trong thời gian ngập. Ban giám hiệu trực 100% để xử lý tất cả tình huống.
Bên cạnh đó, trong tuần này giáo viên bộ môn tiết 3, 4 buổi chiều phối hợp cùng Ban giám hiệu trả học sinh khi thời tiết mưa bão. Đây cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh bởi con tan lúc 5h mưa gió, tắc đường rất vất vả. Mặc dù phụ huynh phải thu xếp công việc cuống cuồng đi đón con tránh mưa ngập, tắc đường nhưng như thế đảm bản an toàn cho học sinh".
Được biết, ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ vào đất liền 1 ngày, Trường THCS Nguyễn Du cũng cho học sinh về sớm lúc 15h30 để tránh mưa bão.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy cũng thông báo tương tự, cho học sinh toàn trường nghỉ học từ 13h30 chiều 10/9. Quyết định này nhà trường đưa ra căn cứ vào thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội và nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình di chuyển từ trường về nhà trong chiều nay.
Các gia đình có thể thu xếp, liên hệ giáo viên để đón con đón con sớm tại trường. Đối với những học sinh đi xe buýt của trường, giáo viên phụ trách xe sẽ liên lạc với cha mẹ học sinh để thống nhất thời gian đón trả.
Tất cả các câu lạc bộ của trường cũng sẽ dừng hoạt động trong chiều nay 10/9. Nhà trường cũng lưu ý, đối với những trường hợp cha mẹ học sinh không thu xếp đón con sớm được, trường sẽ quản lý và trả học sinh như các ngày thường.
Trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết, đã đẩy giờ học sớm lên 30 phút để học sinh có thể về sớm hơn. Lý do là trường có nhiều học sinh đến từ nhiều nơi trong thành phố nên nhà trường quyết định đổi hình thức học tập.
"Nếu ngày mai diễn biến thời tiết còn phức tạp thì chúng tôi sẽ tiếp tục thêm 1 ngày nữa học online, bởi tình hình này học sinh đi học quá vất vả. Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà trường rất mong các thầy cô giáo, các học sinh và phụ huynh chú ý di chuyển cẩn trọng, an toàn và chăm sóc sức khỏe thật tốt", bà Nguyễn Huyền Trang, hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Sáng 10/9, Trường THPT Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) quyết định cho học sinh nghỉ học, buổi chiều cùng ngày sẽ học trực tuyến vì khuôn viên nhà trường tại số 182 Lương Thế Vinh bị ngập nước.
Theo thông tin mới nhất từ Sở GDĐT Hà Nội, tính đến trưa 10/9, trên địa bàn có 117 trường cho học sinh nghỉ học, trong đó nhiều trường triển khai hình thức học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học.
Trong 117 trường cho học sinh dừng đến lớp sáng nay có 3 trường THPT thuộc sở, 1 trường THPT trực thuộc đại học, 113 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Các trường cho học sinh nghỉ học đều thuộc địa bàn vùng trũng, ngập; có số ít trường ở nội thành, còn lại đa số trường thuộc ngoại thành.
2 quận nội thành có trường phải cho học sinh nghỉ do ngập là quận Hoàng Mai 1 trường, quận Hà Đông 3 trường (gồm: Trường THCS Văn Yên, Mầm non Ánh Dương, Tiểu học Phú Lương). Riêng Trường Tiểu học Văn Yên vẫn có một số ít học sinh đến trường và được thầy cô quản lý, chăm sóc chu đáo.
Các huyện có nhiều trường phải nghỉ học gồm: Thanh Trì (43), Thường Tín (24), Chương Mỹ (23). Một số đơn vị khác có số trường nghỉ học ít như: Ba Vì (5), Mỹ Đức (4) Thanh Oai (3), Sơn Tây (1), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1 điểm), Hoài Đức (2), Đan Phượng (1).
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị. Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các nhà trường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hàng ngày rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.
Sở GDĐT cũng lưu ý với các đơn vị, nhà trường bị ảnh hưởng nặng của bão; các trường ở xã đảo, địa bàn vùng trũng... cần có kế hoạch, chủ động triển khai hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.