Nhiều vườn quốc gia đồng loạt cài đặt phần mềm này để tăng hiệu quả quản lý rừng

P.V Thứ sáu, ngày 18/11/2022 05:22 AM (GMT+7)
Nhằm tăng thêm hiệu quả quản lý rừng và đa dạng sinh học, nhiều địa phương, đơn vị đã ứng dụng phần mềm SMART để số hóa toàn bộ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, bảo vệ rừng, xử lý dữ liệu của cơ quan quản lý.
Bình luận 0

Giảm áp lực báo cáo, trao đổi thông tin

Việt Nam hiện có khoảng 14,7 triệu ha rừng tương ứng với độ che phủ của rừng đạt 42%. Trong đó, hệ thống rừng đặc dụng với diện tích khoảng 2,4 triệu ha với 167 ban quản lý.

Với nguồn nhân lực hạn chế, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại, việc thu thập, tổng hợp, và xử lý dữ liệu của cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn như sự rời rạc, phân mảng trong trao đổi thông tin, báo cáo.

Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2016, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và các bên liên quan khác trong khuôn khổ Dự án "Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam" (dự án BIO) đã tiến hành chuẩn hóa mô hình dữ liệu SMART và giới thiệu sổ tay hướng dẫn áp dụng SMART trong toàn bộ hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Ứng dụng SMART trong quản lý, bảo vệ rừng  - Ảnh 1.

Ứng dụng phần mềm SMART giảm áp lực cho đội ngũ bảo vệ rừng. (Trong ảnh: Cán bộ kiểm lâm Quảng Nam đi tuần tra rừng). Ảnh: BQN

Hiện nay, SMART đã được áp dụng tại hơn 70 quốc gia với trên 1.000 Vườn quốc gia/Khu bảo tồn trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có khoảng hơn 30 khu bảo tồn/vườn quốc gia đã sử dụng phần mềm này.

Đến năm 2021, mô hình dữ liệu SMART chuẩn và bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đã sẵn sàng để triển khai trên toàn quốc.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) đã triển khai ứng dụng SMART kể từ tháng 7/2016. Sau 5 năm triển khai ứng dụng SMART Desktop tại vườn, kết quả cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích cho vườn trong việc quản lý, chỉ đạo công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng SMART Desktop thực tế tại vườn cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và gặp các vấn đề trục trặc về kỹ thuật

Năm 2021, dưới sự hỗ trợ của dự án GIZ-Bio thông qua Vụ Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Vườn và Khu bảo tồn Việt Nam (VNPPA), Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận các máy móc, trang thiết bị hiện đại để triển khai áp dụng SMART Mobile.

Sau 2 tháng triển khai áp dụng SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh (từ ngày 1/11 - 31/12/2021), các cán bộ phụ trách SMART của vườn đã bước đầu đánh giá được những ưu điểm của SMART Mobile vượt trội hơn hẳn so với phiên bản SMART Desktop trước đây.

SMART Mobile tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của Vườn, kèm theo các tính năng khác như định vị (sử dụng sóng vệ tinh), xác định góc phương vị, độ cao so với mực nước biển, tốc độ di chuyển và tính năng đính kèm hình ảnh tại vị trí ghi nhận thông tin trên thực địa.

Tại tỉnh Quảng Bình, trong giai đoạn 2016 - 2020, phần mềm SMART đã được triển khai tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và một số Ban quản lý rừng phòng hộ.

Theo đánh giá, ứng dụng phần mềm SMART như một công cụ thực thi, quản lý và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, hoạt động tuần tra thực địa của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Các tuyến tuần tra của các trạm, tổ bảo vệ rừng được phần mềm SMART lưu trữ đầy đủ các thông tin như vị trí, tọa độ, khoảng cách tuần tra, ngày tháng tuần tra; các thông tin thu thập được trong suốt tuyến tuần tra về bảo vệ rừng, ghi nhận tính đa dạng sinh học được điền vào phiếu tuần tra SMART.

Thúc đẩy quản lý rừng

"Với việc SMART được áp dụng đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học sẽ được hình thành, việc quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở sẽ được thông tin tốt hơn, thúc đẩy quản lý rừng bền vững - góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng và thực hiện các mục tiêu chung của COP 26, đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) khẳng định.

SMART là sự kết hợp của phần mềm, tài liệu đào tạo và các tiêu chuẩn thực hiện để hỗ trợ một loạt các hoạt động bảo tồn, được quốc tế công nhận và cho phép tiếp cận giám sát hài hòa và thu thập và phân tích dữ liệu phù hợp để hỗ trợ các quyết định quản lý trong các khu bảo tồn và khu vực phụ cận.

Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với GIZ và các bên liên quan cập nhật thường xuyên mô hình dữ liệu hiện tại theo tiêu chuẩn quốc tế, giới thiệu và triển khai ứng dụng SMART trên toàn bộ hệ thống rừng phòng hộ tại Việt Nam.

Đồng thời, khung hoạt động của mạng lưới SMART cũng sẽ được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh việc chính thức thành lập mạng lưới này và tăng cường hợp tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến SMART giữa các ban quản lý rừng phòng hộ tại Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem