Gánh nặng lại đè lên vai người dân
Xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy), không thuộc diện xã điểm xây dựng NTM, vì thế xã phải “giật gấu vá vai” để có vốn từ nhiều nguồn khác nhau và huy động sự đóng góp từ người dân làm NTM. Khi chúng tôi đến, xã đã chuyển sang trụ sở mới, nhưng điều kiện làm việc vẫn chẳng có gì khá hơn. Ngôi nhà tuy mới, song nội thất, trang thiết bị vẫn là đồ cũ chuyển sang.
|
Nhiều khoản đóng góp đang là gánh nặng đối với người dân khi xây dựng NTM (trong ảnh chụp tại thôn 2, xã Ngọc Liên, Ngọc Lặc, Thanh Hóa ngày 25.10). |
Khi hỏi về chương trình xây dựng NTM của xã, ông Đặng Thanh Dung – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình nói: “Trụ sở UBND xã xây hết hơn 4 tỷ đồng, đáng lẽ xong từ đầu năm, do thiếu vốn đến giờ mới xây xong, nhưng còn thiếu trang thiết bị nội thất. Chúng tôi đang vận động mỗi khẩu đóng góp 100.000 đồng/vụ”.
Ông Hà Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết: Cẩm Thủy có 19 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã điểm được chọn xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 là Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Tân, Cẩm Vân. Theo mục tiêu của huyện, đến năm 2015 các xã trên sẽ đạt 19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, hiện mới có 2 xã là Cẩm Tú và Cẩm Vân đạt 9 tiêu chí, 2 xã còn lại đạt 8 tiêu chí.
“Trước đây, có 7 khoản được hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước, nhưng nay chỉ còn 3 khoản, nên các xã đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Tính đến nay, chúng tôi mới được tỉnh hỗ trợ 640 triệu đồng/xã điểm để xây dựng giao thông nông thôn và 460 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất ở 4 xã điểm. Để có tiền xây dựng, hầu hết các xã phải lấy từ tiền đấu giá đất hoặc từ các nguồn khác nhau, nhưng do bất động sản đang “đóng băng”, nên các xã đang rất khó xoay xở” – ông Vinh cho biết.
Mặc dù là xã điểm, nhưng phong trào xây dựng NTM ở xã Thành Hưng (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đang… lắng xuống. Khi chúng tôi đến thôn Liên Hưng, người dân đang họp bàn để làm đường giao thông. Anh Nguyễn Văn Thành phàn nàn: “Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng kể từ khi xây dựng NTM, người dân chúng tôi vừa phải hiến đất để xây nhà văn hóa, đường, lại vừa phải đóng góp công sức, tiền bạc. Chúng tôi vừa đóng góp xây nhà văn hóa thôn xong, giờ lại đóng góp làm đường, cứ đà này thì “còng lưng”.
“Tắc” vì thiếu tiền
Không chỉ có các xã điểm, hầu hết các xã ở huyện Cẩm Thủy đều phải vay, ứng vốn từ các nguồn khác nhau để xây dựng các tiêu chí, hạng mục NTM. “Một khó khăn là nhiều công trình phải xây dựng xong mới được quyết toán. Hơn nữa, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, mà các xã phải đạt rất nhiều tiêu chí, phải chi rất nhiều tiền, không còn cách nào khác là phải vay vốn và phải mang nợ” - ông Vinh giãi bày.
“Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng kể từ khi xây dựng NTM, người dân chúng tôi vừa phải hiến đất để xây nhà văn hóa, đường, lại vừa phải đóng góp công sức, tiền bạc. Chúng tôi vừa đóng góp xây nhà văn hóa thôn xong, giờ lại đóng góp làm đường, cứ đà này thì “còng lưng”.
Anh Nguyễn Văn Thành
Ông Dương Văn Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho hay, năm 2011 khi xây dựng NTM, xã đã đạt 6 tiêu chí, giờ tăng lên thành 9. “Hiện chúng tôi đã làm xong quy hoạch, nhưng không có kinh phí để triển khai. Vừa rồi chúng tôi làm 4km đường bê tông, tính ra 1km hết khoảng 500 – 600 triệu đồng, nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng, cả xã có hơn 20km đường rất khó để bê tông hết. Hay để đạt tiêu chí giáo dục, xã phải xây mới 1 trường mầm non, 1 trường THCS, với kinh phí khoảng 10 – 12 tỷ đồng, đây là khoản kinh phí quá sức gánh của xã” – ông Vân bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hưng chia sẻ: Mặc dù đã đạt 12 tiêu chí, nhưng những tiêu chí còn lại đa số là những tiêu chí khó như: Trường học, thu nhập, chợ, giao thông, cơ cấu lao động… “Tổng thu ngân sách của xã mỗi năm đạt khoảng 4 – 5 tỷ đồng, nên nếu không được hỗ trợ, chúng tôi không biết lấy đâu ra vốn để xây dựng”, ông Huệ nói.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.