Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng

Sông Bùi Thứ hai, ngày 14/06/2021 11:55 AM (GMT+7)
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2021-2022 ở Hà Nội chính thức khép lại thành công với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng lòng của phụ huynh, thí sinh.
Bình luận 0
Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra tại điểm thi Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa. (Ảnh: Hùng Thập).

C h thng chính tr cùng vào cuc linh hoạt, sáng tạo

Từ ngày 12-13/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 với sự tham gia của hơn 93.000 thí sinh và gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã diễn ra tại 184 điểm thi với gần 4.000 phòng thi trên địa bàn TP.Hà Nội.

Có thể nói, đây là một kỳ thi vô cùng đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp cộng thêm thời tiết mưa bão bất thường và được cả hệ thống chính trị và từng người dân quan tâm theo dõi.

Nhìn lại những ngày trước và trong kỳ thi, mỗi hoạt động ở từng điểm thi được lãnh đạo TP.Hà Nội cập nhật sát sao, chỉ đạo kịp thời. Toàn TP, từ cấp chính quyền đến các địa phương đã thực sự kích hoạt nhiều giải pháp và ứng phó linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, từ việc điều chỉnh ngày thi vào cuối tuần đến việc rút ngắn số buổi và thời gian thi, làm thủ tục trực tuyến,…để góp phần làm nên một kỳ thi thành công trọn vẹn.

Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP ,Trưởng BCĐ các kỳ thi và tuyển sinh TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì buổi họp rút kinh nghiệm sau ngày thi đầu tiên. (Ảnh: Công Thọ)

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, ngay trong buổi sáng thi môn đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm tra đột xuất điểm thi tại trường PTTH Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) và kiểm tra động viên thí sinh, cán bộ tại điểm thi trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa). 

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội lúc này nhấn mạnh: "TP và tất cả các lực lượng đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho các thí sinh có điều kiện tốt nhất hoàn thành kỳ thi…".

Đặc biệt, trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngay chiều 12/6, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng BCĐ thi, tuyển sinh TP.Hà Nội năm học 2021-2022 đã trực tiếp chủ trì và họp rút kinh nghiệm sau buổi thi đầu tiên.

Đồng thời, trong chiều, tối cùng ngày, UBND TP đã ban hành Văn bản số 1836/UBND-KGVX về việc tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thí sinh.

Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 3.

Những "áo xanh tình nguyện" đã phải nhường những chiếc ô nhỏ cho thí sinh thi còn bản thân mình thì ướt sũng sau cơn mưa bất chợt tại điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 trường THPT Khương Trung. (Ảnh: Nguyễn Chương).

TP.Hà Nội yêu cầu BCĐ thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã có phương án ứng phó cụ thể với tình hình bất thường của thời tiết trong buổi thi vào sáng 13/6 và các buổi thi tiếp theo. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát phương tiện, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống mưa bão có thể xảy ra.

Chính  nhờ tinh thần chuẩn bị ứng phó chủ động trong điều kiện mưa to, phát sinh nhiều tình huống  gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh, khâu tổ chức kỳ thi đã được chuẩn bị chu đáo. Các bộ phận tham gia công tác làm thi từ vòng trong lẫn vòng ngoài cổng trường đã cùng phối hợp để phân luồng học sinh đi vào trường cũng như phân luồng giao thông để tránh gây ách tắc và đảm bảo phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Trước tình hình thời tiết mưa, bão, rút kinh nghiệm từ buổi thi đầu tiên, BCĐ thi của huyện Chương Mỹ đã lưu ý đặc biệt vào công tác phân luồng giao thông và hỗ trợ thí sinh. Đơn cử, điểm thi tại trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) ở sát mặt đường, để tránh ách tắc giao thông ở cổng trường, ở buổi thi thứ 2, khu vực kiểm soát thí sinh đã được chuyển vào phía trong sân trường, tạo sự thông thoáng…

Bà Lê Thị Hồng, trưởng điểm thi Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi rất cảm động vì ở kỳ thi đặc biệt này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và đồng hành để các con học sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và có một kỳ thi chất lượng".

Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 4.

Phụ huynh đứng đợi con trong cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn bão số 2. (Ảnh: Quang Vinh).

Đng lòng, chung sức vượt khó

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trong buổi sáng ngày thi thứ hai, Hà Nội có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước nhưng không ít các phụ huynh và thí sinh khó khăn khi di chuyển trên đường. Đặc biệt, sau khi đến các điểm thi, nhiều thí sinh đã bị ướt sũng người.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), thấy nhiều thí sinh ướt người và gặp lạnh ảnh hưởng đến việc làm bài thi, điểm thi này đã huy động số đồng phục còn của trường và áo phông của các thầy cô cho thí sinh mặc để đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, dù đã huy động số lượng lớn quần áo nhưng vẫn không đủ cho các thí sinh, Hội đồng thi này phát thông báo đề nghị các giáo viên chủ nhiệm thông tin đến cha mẹ học sinh mang thêm quần áo đến cho con. Hành động kịp thời và ý nghĩa này khiến đông đảo phụ huynh xúc động và gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo.

Không chỉ có điểm Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THCS Giảng Võ cũng ngay lập tức gửi sang 100 bộ đồng phục cho thí sinh dự thi.

Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 5.

Lực lượng công an căng mình dưới mưa để phân luồng tránh tình trạng tụ tập đông người trước điểm thi trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết, đầu giờ sáng, nhận được thông tin từ điểm Trường THPT Nguyễn Trãi nhờ giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ nhắn tin thông báo cho phụ huynh mang quần áo cho con.

Ngay lúc đó, cô Yến cũng quyết định tặng cho các thí sinh tại điểm thi Trường Trường THPT Nguyễn Trãi 100 bộ quần áo đồng phục mới. "Lúc nhận được tin các con bị ướt hết mà còn ít thời gian nữa là đến giờ vào làm bài thi nên phản ứng của Nhà trường chỉ là phản ứng rất tự nhiên của những người làm giáo dục thôi", cô Yến khiêm tốn khi nhắc lại câu chuyện với PV Dân Việt.

Theo cô Yến, khi đó cô không nghĩ đến học sinh trường mình hay trường khác, chỉ biết các em cần quần áo để thay và quyết định dành tặng hết số đồng phục cho các thí sinh.

"Nhà trường đóng góp một chút công sức của mình vào sự nỗ lực chung của các lực lượng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 này. Thực tế còn rất nhiều người vất vả đội mưa, đội gió như lực lượng công an, giáo viên... chăm lo cho các thí sinh nên việc làm này không có gì to tát cả", cô Yến nói và cho biết, sau khi xuất kho thì lực lượng công an mang quần áo sang cho các thí sinh trước giờ làm bài thi khoảng 30 phút.

Nhìn lại "kỳ thi chưa từng có trong lịch sử" ở Hà Nội: Thành công với "từ khóa" đồng lòng - Ảnh 7.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2021-2022 tại Hà Nội chính thức khép lại với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và thành công tốt đẹp. (Ảnh: Phạm Hưng).

Theo lãnh đạo Hà Nội, cả hai ngày thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Song, cũng phải nhìn nhận, qua kỳ thi vừa qua vẫn còn điều cần rút kinh nghiệm cho các kỳ thi tiếp theo, như sự cố một số thí sinh bị nhầm lẫn địa điểm thi. Ví như sự việc có con trai thi ở điểm thi trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân) nhưng hai mẹ con chị Nguyễn Thị Cảnh lại nhầm sang Trường THPT Khương Đình. Theo chị Cảnh, các con không được đến nhận phòng thi trực tiếp nên sự cố nhầm lẫn này là điều khó tránh khỏi.

Như vậy, đến thời điểm này, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2021-2022 chính thức khép lại với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và thành công tốt đẹp, đúng như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng là "Bằng mọi biện pháp phải đảm bảo tổ chức thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi". 

Đề thi vừa sức nhưng vẫn đảm bảo phân loại thí sinh

Sau cả 4 môn thi, theo đánh giá của giáo viên, học sinh và phụ huynh, mức độ đề thi phù hợp với tình hình thực tế học sinh phải ôn tập trực tuyến, giảm độ khó so với đề thi năm trước. Số lượng câu hỏi trong đề thi đều giảm, phù hợp với việc giảm thời gian làm bài.

Về môn Toán, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây, đồng thời các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng đã được giảm nhẹ để phù hợp với thời gian làm bài thực tế từ 120 phút xuống 90 phút và điều kiện ôn tập của thí sinh. Tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn cũng không thay đổi so với mọi năm, vẫn gồm 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội, có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh, các câu hỏi rõ ràng, có sự phân hóa tốt.

Đề thi môn Tiếng Anh năm nay giảm 10 câu so với dự kiến ban đầu nhưng mức độ kiến thức vẫn bám sát chương trình học và đề minh họa của Sở GDĐT Hà Nội. Đối với môn Lịch sử, đề thi đã giảm số lượng câu hỏi cũng như giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá, đề thi vừa sức với các thí sinh, bám sát với chương trình đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Kiến thức trong đề thi bao phủ toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 9, kiểm tra đúng đơn vị kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình. Với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem