NHNN chào thầu nhưng "ế", lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng thấp nhất 2 năm

H.Anh Thứ ba, ngày 04/07/2023 10:51 AM (GMT+7)
Ông Paulo Medas - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF nhận định, Ngân hàng Nhà nước sau một thời gian tăng lãi suất liên tục, gần đây đã giảm lãi suất. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ.
Bình luận 0

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng.

Cụ thể, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 45.000 tỷ đồng (giảm 10% so với tuần trước đó), đều với lãi suất 4,0%, không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.

Trên kênh mua kỳ hạn, có gần 294 tỷ đồng đáo hạn và như vậy đưa khối lượng lưu hành trên cả kênh tín phiếu và mua kỳ hạn về mức 0. Trái với kỳ vọng, thanh khoản không gặp nhiều áp lực trong thời điểm cuối quý và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ 5.

Theo số liệu vừa cập nhật trên cổng thông tin NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dù đã nhích nhẹ trở lại, song vẫn ở mức thấp trong vòng hơn 2 năm qua. Cụ thể, ghi nhận tại ngày 30/6/2023, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đứng ở mức 0,44%. Các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng hiện nay cũng chỉ dao động ở mức 2,47% và 4,37%.

NHNN chào thầu nhưng "ế", lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng thấp nhất 2 năm - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Trên thị trường dân cư, lãi suất tiết kiệm cũng đã giảm từ mức đỉnh trên 10%/năm về dưới 8%/năm như hiện nay. Với kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh về dưới mức trần quy định (4,75%/năm), thậm chí chỉ còn 3,4%/năm.

Ông Paulo Medas - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF nhận định, NHNN Việt Nam sau một thời gian tăng lãi suất liên tục, gần đây đã giảm lãi suất. Điều này đã thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều hành kinh tế vĩ mô của NHNN cũng phải xem nội lực của các ngân hàng thương mại. Bản thân các ngân hàng thương mại phải tăng cường nội lực của mình bằng cách tăng vốn, quản lý nợ xấu, tăng thanh khoản.

Hiện nay, tỷ lệ cho vay trên huy động của Việt Nam đang khá cao do đó sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng. Ông Paulo Medas tin rằng các cơ quan điều hành đã học được những bài học từ sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ, bài học ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ, hay từ chính bài học của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) năm ngoái. Ông Paulo Medas khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường các công cụ và hoạt động thanh tra, giám sát cũng như có hành động nhanh chóng để phản ứng với các vụ việc này.

"Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo một khung khổ pháp lý hiệu quả hơn về xử lý ngân hàng và thanh khoản khẩn cấp để hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động lành mạnh. Bên cạnh đó, các giải pháp để tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được tính đến để làm lành mạnh, tạo niềm tin cho thị trường", Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF cho hay.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng, huy động và cung tiền M2 tính đến 20/6 lần lượt là 3,13%, 3,26% và 2,53% so với cuối năm 2022 (tương đương với mức tăng 8,5%, 7,2% và 5,4% so với cùng kỳ). Như vậy, chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã thu hẹp đáng kể về chỉ còn vào khoảng 92 nghìn tỷ, từ mức gần 300 nghìn tỷ vào cuối tháng 4, theo thống kê từ SSI.

NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 liên quan đến các hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/9/2023. Nhìn chung, trong văn bản này, NHNN đã cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng, với việc cho phép các TCTD được tự chủ/linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay của mình. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với trách nhiệm nhiều hơn đối với TCTD và các hoạt động sau giải ngân và do vậy bộ phận phân tích tại Công ty chứng khoán SSI đánh giá mức độ tác động của Thông tư này nghiêng nhiều về phía siết chặt hơn đối với các lĩnh vực rủi ro.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem