Nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Có một nụ cười như thế!

Lê Kiên Thành Thứ ba, ngày 22/11/2022 07:51 AM (GMT+7)
Đến bây giờ tôi vẫn không quên được nụ cười của chú Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi nói với tôi: "Đến tao mà có người còn cho là lệch lạc, đổi màu đấy mày!".
Bình luận 0

23/11/2022 là ngày sinh lần thứ 100 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chú Sáu Dân.

Từ nhỏ, tôi biết đến chú qua câu chuyện ba tôi kể: "Lúc ba ở lại miền Nam (1954) để giữ bí mật, Xứ ủy cử chú Sáu Dân đi chèo xuồng cho Ba. Ba cự lại: Đồng bào ai cũng biết Sáu Dân là cán bộ lớn, thế mà đi chèo xuồng, tức là người ngồi kia phải quan trọng hơn, làm sao mà giữ bí mật được?".

Có một nụ cười như thế - Ảnh 1.

Có một nụ cười như thế - Ảnh 2.

Tác giả Lê Kiên Thành đến chúc Tết chú Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: NVCC

Sau này, khi ba không còn nữa và chú Sâu Dân đã là Thủ tướng, có lần lại thăm chú, tôi kể những điều tôi biết, tôi thấy khi ra ngoài làm doanh nghiệp, những khó khăn, những bất cập trong quá trình đổi mới.

Chú nghe rất chăm chú, đôi lúc nhíu lông mày mà tôi không hiểu là chú không vừa lòng với tôi hay với cái "thực tế" đó.

Lúc chia tay tôi chỉ nói thêm:

- Cháu không bao giờ đi ngược với lý tưởng của ba cháu, của chú và của Đảng nên sẽ không bao giờ nói điều gì phản động. Nhưng cháu cũng không bao giờ nói gì chiều lòng chú vì nhu cầu thăng tiến hay lợi dụng gì...

Chú Sáu hiểu điều tôi lo ngại, cười to và sảng khoái:

- Chú hiểu những điều mày nói mà, chú còn biết nhiều hơn thế cơ. Rảnh đến nói chuyện nghen mày!

Có một nụ cười như thế - Ảnh 3.

Ông Lê Kiên Thành và bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: NVCC

Sau này chú Sáu Dân luôn làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chú gặp rất nhiều áp lực trong quyết định làm đường dây 500 KV mà hiệu quả to lớn đến mức nào như chúng ta đã biết.

Chú cương quyết thay đổi một tập tục của dân tộc là đốt pháo trong những dịp lễ, Tết vì sức khỏe của muôn người và tránh sự lãng phí vô ích. Vì sự an toàn của thủ đô Hà Nội chú cương quyết đập bỏ những căn nhà xây trái phép mặc dù biết rõ đấy là tài sản quý báu của người dân.

Sẽ còn nhiều câu chuyện hay về chú Sáu nhưng hôm nay tôi sẽ chỉ kể một chuyện.

Hôm đó là một ngày mùa Đông ở Hà Nội, tôi ngồi ăn sáng với một người bạn - Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airline, câu chuyện xoay quanh nhân sự Đại hội Đảng lần thứ X còn vài ngày nữa kết thúc.

Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia: Anh nói chuyện với chú Sáu.

Tôi giật mình: "Dạ, cháu đây chú".

- Chú muốn giới thiệu cháu để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ này, ngày kia sẽ có đoàn giới thiệu cháu.

Tôi lúng túng thật sự, cứ ấp a ấp úng...

Chú cười: "Cháu cứ về nghĩ đi, mai trả lời".

Sau đó là một đêm mất ngủ của tôi. Tôi cứ day dứt: Như thế có đúng Điều lệ không, mình nhận thì có ai đó bảo hai chú cháu muốn phá Đại hội không...?

Đó là thời kỳ khó khăn của chú Sáu khi mà những ý kiến đóng góp của chú ít được tiếp thu.

Sáng hôm sau anh Hùng, con rể chú gọi: "Sao rồi Thành?".

- Anh nói với chú dùm nếu chú nói với em trước Đại hội thì khó đến mấy em cũng không nề hà. Như thế này em rất lo cho chú!

Tôi không ngờ đó lại là sai lầm lớn nhất của tôi, tôi đã phụ lòng tin của chú!

Sau đó vào Đại hội, cũng có trường hợp giới thiệu ngay tại hội trường và vẫn hợp lệ.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên được nụ cười của chú khi nói với tôi: "Đến tao mà có người còn cho là lệch lạc, đổi màu đấy mày!"

Nụ cười của người Cộng sản bao nhiêu ngày đêm lăn lộn với miền Nam khói lửa, có vợ và ba con chết vì bom đạn giặc, mới ngạo nghễ làm sao!

Những lần ra nghĩa trang thăm mẹ tôi thường đến thắp hương cho chú Sáu và nói trong nước mắt:

- Chú ơi, con xin lỗi chú...!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem