Con nào cũng là con
Gia đình ông Nguyễn Văn Thu (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) là một gia đình sống theo nếp truyền thống. Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là gia đình văn hoá. Ấy vậy mà, từ ngày ông quyết định phân chia tài sản cho các con thì không khí trong gia đình bỗng trở nên khó thở.
Ba đứa con trai và cô con gái tuy đã ra ở riêng nhưng vẫn không thôi nhòm ngó ngôi nhà và mảnh đất rộng gần 3.000m2 của ông bà. Bàn bạc mãi, sau cùng ông quyết định chia đều cho 4 đứa, rồi mình về ở với thằng cả.
Ngỡ thế là mình sẽ được an nhàn tuổi già, ai ngờ mới ở với vợ chồng anh cả một thời gian thì cô con dâu trưởng đã dè bỉu: “Đấy, lúc nào cũng bảo con nào cũng như nhau, cái gì cũng chia đều. Con trưởng cũng như con thứ, mà giờ chẳng thấy đứa nào dòm ngó ông bà, mình nhà tôi gánh hết”. Kể rồi ông Thu ngẹn ngào: “Mình là bố mẹ chẳng lẽ lại phải đi cầu xin chúng nó, nên tôi bỏ ngoài tai”.
Ở với con cả được một năm thì ông bà dọn sang ở với con út. Vợ chồng cậu út nghe tin ông bà sang ở như “đỉa phải vôi”. Trong lần họp gia đình, cô dâu út nói sẵng và từ chối nhận nuôi ông bà với lý do: “Ông bà qua chơi với con cháu vài ngày thì được, chứ ở lâu dài thì bọn con không thể bố trí được. Giờ các cháu đi học suốt ngày, chúng con lo công việc đã mệt rồi lại còn hai đứa nhỏ, ông bà qua thì chúng con vui nhưng không chăm ông bà được lại mang tội bất hiếu”.
Cô dâu hai cũng phân trần: Giờ ông bà về ở với anh cả là hợp lẽ nhất, dù sao, vợ chồng bác cả sau này cũng còn trách nhiệm hương khói cho tổ tiên. Nghĩ lại ông Thu buồn buồn, bà Thu ứa nước mắt: “Mình thì nghĩ, con nào cũng như nhau nên cái gì cũng chia đều, ai ngờ đến lúc mình già cả đau yếu, cần nhờ con chúng lại tỵ nạnh nhau”.
Kém miếng khó chịu
Theo Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược lại con cái có quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ.
Không như trên thành phố, ở thôn quê các cụ vẫn giữ nét truyền thống: Con trưởng bao giờ cũng được ưu tiên.
Nói là nói vậy, nhưng mới đây hai anh con trai nhà ông Nguyễn Văn Sáng (ở Hoằng Tiến, Hoằng Hoá, Thanh Hoá), cũng đã vác dao choảng nhau vì lẽ: “Có mấy sào đất, bố mẹ cho anh cả hết, mình là con thứ chẳng được tý gì, ấy vậy mà trách nhiệm chăm sóc các cụ thì vẫn chia đôi”. Cũng chỉ có thế mà anh em từ mặt nhau, con cái đoạn tuyệt không thèm nhìn mặt bố mẹ.
Hỏi ra, những chuyện anh em bất đồng, mâu thuẫn vì quyền lợi, rồi nghĩa vụ chăm nuôi bố mẹ nhan nhản ở vùng quê. Hầu như ở quê, các cụ thường thích sống với anh cả nên có tý gì cũng ưu ái cho con cả. Vì thế anh em ruột thịt cũng thường hay nảy sinh tâm lý đố kị, “kém miếng khó chịu”.
Chuyện lục đục anh em vì tranh tài sản, tỵ nạnh nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ lúc về già đang ngày càng phổ biến khi các gia đình nhỏ có xu hướng sống riêng. Cũng từ những vấn đề ấy mà không ít anh chị em trong gia đình phải lôi nhau ra toà, đối diện với những câu chuyện đau lòng: Anh mất em, vợ mất chồng, mẹ con đoạn tuyện nhau… có khi còn phải ngồi tù.
Rút kinh nghiệm, sợ cảnh gia đình con cái tranh giành, tỵ nạnh nuôi bố mẹ, ông Lê Hữu Quang (ở Hải Hậu, Nam Định) chia đều tài sản cho các con và cho chúng ở riêng, nhưng vẫn giữ lại một ít để phòng thân. Số tiền này ông để dành lúc ốm đau phải ở với đứa nào, đứa ấy còn có điều kiện để chăm lo thuốc thang.
Mỗi dịp cuối tuần, con cháu lại sum họp, những lần như thế ông lại họp gia đình nhắc nhở chúng phải luôn nhớ những truyền thống trong gia đình Việt. Ông Quang tự hào: “Nhà tôi có 5 đứa con, tính ra dâu rể, cháu chắt phải gần 30 người, nhưng lúc nào cũng vui vẻ, hoà thuận”.
Tạ Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.