Thợ săn ốc hoàng đế
Ốc hoàng đế là một trong số những sản vật biển. Loài ốc này ngoài là thực phẩm quý, còn có thứ có thể vô giá, đó là viên ngọc trong mình ốc. Nhưng, phải là người may mắn lắm mới tìm được con ốc có ngọc bên trong.
Nhọc nhằn đời thợ săn ốc
Anh Trần Văn Tuấn, ngư dân ở làng chài Hàm Ninh, Phú Quốc, năm nay mới 32 tuổi, nhưng đã có ngót 20 năm lặn biển. Tuấn là một trong những tay kỳ cựu về săn các loại đặc sản biển như cá ngựa, ốc hoàng đế. Hôm gặp Tuấn, anh đang “dưỡng thương” cái lỗ tai sau một chuyến lặn biển sâu và lâu.
“Tụi tui đi săn ốc ở vùng biển sâu, lặn hơi lâu nên lỗ tai bị chảy máu, may tôi lên kịp nên không bị nặng. Chắc thôi không dám lặn sâu nữa”, Tuấn nói. “Vậy là biển nông ở gần chắc hết loài ốc này rồi?”, tôi hỏi. Tuấn đáp: “Không phải, vẫn còn. Nhưng ốc nhỏ và non tuổi. Tôi muốn săn loại ốc “cụ”, loại lớn để tìm vận may, kiếm ngọc. Nhưng ngọc cực hiếm, may lắm mới có. Có lẽ vì loài ốc này có viên ngọc rất quý nên người ta gọi là ốc hoàng đế. Chứ ngư dân tụi tôi gọi là ốc giác”.
Sau khi nghe tôi ngập ngừng ngỏ ý muốn biết chứng kiến cảnh lặn tìm ốc giác, Tuấn cũng ngần ngừ một hồi hồi nói: “Để tôi nói thằng bạn ghe. Nếu nó rảnh sẽ đi. Nhưng đi biển gần thôi, chứ đi lặn sâu phải chuẩn bị. Tôi bây giờ thua rồi, chưa dám lặn”. Nói rồi anh móc điện thoại…
Chừng 10 phút sau, Tiến, người bạn đồng hành của Tuấn đã có mặt, dẫn tôi ra bến ghe Hàm Ninh. Tiến có thân hình săn chắc, nước da màu đồng, khoẻ mạnh, đúng kiểu ngư dân. Mặc dù dưới chân chẳng có giày dép gì nhưng anh vẫn bước đi thoăn thoắt.
“Để săn được ốc giác không hề đơn giản, thậm chí phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Ốc là loài bò sát, chậm chạp. Chính vì chậm chạp nên chúng phải có cách tự bảo vệ mình, đó là nguỵ trang, ẩn náu. Với loài ốc, chúng có khả năng ẩn náu của những thiên tài, thường vùi mình dưới đáy cát biển hay bùn vào ban ngày, ban đêm mới giũ lớp nguỵ trang, mò đi kiếm ăn. Cho nên, trong môi trường nước biển, tầm nhìn hạn chế và độ sâu lớn, rất khó phát hiện ra chúng. Nhiều khi chúng ở ngay trước mặt mà mình cũng không thể phân biệt được đâu là ốc, đâu là đá, đâu là trầm tích hay rong rêu vì dưới đáy biển, tất cả đều bất động. Nếu mình thiếu kinh nghiệm, chạm chân tay xuống đáy biển làm bùn, cát vẩn lên, nước đục thì không thể nhìn nhận ra con ốc, lúc đó đúng nghĩa là “mò ốc”, Tiến kể.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà người thợ săn ốc phải đối mặt. Mặc dù biển ở đây có độ sâu thấp, nhưng nhiều nơi thềm đá chênh vênh, rất nguy hiểm. Nếu không quan sát, không có kinh nghiệm thì những tai nạn dưới đáy biển có thể nhấn chìm bất cứ lúc nào, kể cả những thợ lặn lành nghề. Đó là chưa kể khu vực này có rất nhiều sinh vật biển nguy hiểm có khả năng sát thương.
“Như tôi, thông thạo vùng này từ nhỏ, vào nghề lặn đã hơn chục năm mà lâu lâu vẫn bị tai nạn, có khi phải ở nhà cả tháng trời. Bây giờ nguồn lợi tự nhiên ít đi khiến cho những thợ lặn phải săn tìm ở những nơi nguy hiểm và khó khăn hơn”, Tiến nói.
Sau khoảng 15 phút chạy ghe, Tiến dừng lại ở một vịnh nhỏ, ít gió, mặt nước phẳng như mặt hồ, nhìn rõ những con cá nhỏ đang tung tăng bên dưới làn nước trong vắt. “Nhìn vậy thôi chứ cũng sâu khoảng 3-4 mét đấy”, Tiến vừa nói vừa chuẩn bị dụng cụ lặn, gồm một ống thở dài chừng hơn chục mét nhỏ như hai sợi dây điện, một thanh gậy soi đường có gắn đèn chiếu. Chỉ đơn giản vậy, nhưng Tiến có thể ngâm mình dưới nước vài chục phút đồng hồ.
Mò kim đáy biển
Sau một hồi lặn ngụp, Tiến trồi lên thuyền, mồi điếu thuốc rít mạnh rồi nói: “Nghề lặn nguy hiểm thật, nhưng chúng tôi quen rồi, thấy cũng bình thường”. “Kiếm khá không?”, tôi hỏi. Tiến đáp: “Cũng bấp bênh lắm. Tôi lặn ốc bằng các phương tiện thô sơ, nên không dám ra xa, lặn sâu. Mà chủ yếu là khu vực mặt nước ven đất liền, các hòn đảo. Cũng như hầu hết các nghề đánh bắt hải sản trên biển khác, nghề lặn ốc cũng phụ thuộc nhiều thứ, như thời tiết chẳng hạn, nên may mắn thì kiếm được. Cũng có khi kiếm cả ngày không đủ “sở hụi”.
Ốc giác hay ốc hoàng đế được thương lái mua ngay sau khi thợ lặn vừa lên bờ với giá từ 100-140 ngàn đồng/kg tuỳ kích cỡ.
Tiến cho biết, ốc hoàng đế là một trong những loài ốc biển có thịt ngon nhất, phần cùi ốc có màu trắng, ăn giòn, sần sật, phần ruột ốc màu nâu nhạt, mềm, vị béo bùi gọi là gạch hay gan. Có thể ăn sống. “Dân biển tụi tôi bắt được ốc giác, chỉ cần đập vỡ vỏ, lấy phần ruột ra rửa bằng nước biển, ăn ngay tại biển. Nhưng nếu mang về nhà, rửa bằng nước ngọt rồi ăn sống kiểu đó thì không được, rất tanh. Loài ốc này người ta nói là “tráng dương bổ thận”, tốt cho đàn ông. Chiếc vỏ ốc cũng có giá lắm chứ không phải bỏ đi đâu. Nhưng giá trị nhất trong con ốc chính là viên ngọc. Đây là một trong số ít những loài ngọc quý nhất, đắt nhất, ngọc trai chẳng là gì so với nó”, Tiến nói.
Theo mô tả của Tiến, ngọc ốc giác có màu cam lửa tròn, sáng lung linh, đẹp tự nhiên. Đây được coi là một báu vật tự nhiên không cần con người can thiệp. Tiến kể: “Tôi từng nghe truyền thuyết về loại ngọc này, rằng ngọc ốc giác được tạo ra từ những giọt nước do rồng phun từ trên trời xuống, rồi những con ốc hứng được. Những giọt nước này phát triển thành ngọc, được nuôi dưỡng bỡi ánh trăng rọi xuống biển vào đêm. Vì thế, ngọc ốc giác rất sáng. Ngày xưa, ngọc ốc giác là báu vật, chỉ vua chúa mới được dùng, kết hợp với hình rồng, áo thêu rồng, mũ hình rồng đính ngọc. Ngọc ốc giác không chỉ quý mà còn cực hiếm, bởi vì không phải con nào cũng có, và khi có rồi chúng phải là những con ốc già, nằm sâu tới vài chục mét dưới đáy đại dương”.
Anh Tiến kể, năm 1994, có một thợ lặn hơn 50 tuổi tên Đức, bắt được con ốc giác thuộc loại “khủng”, hơn 8kg. Sau đó, trong lúc làm thịt con ốc, họ phát hiện phần thịt ốc sáng lên, nhìn kỹ mới thấy một viên ngọc màu cam, có kích thước khoảng 2cm, cực đẹp bên trong thịt con ốc. Đó là viên ngọc mà trong suốt mấy chục năm làm thợ lặn, lần đầu tiên ông thấy.
Tôi hỏi: “Vậy anh đã từng thấy viên ngọc ốc giác bao giờ chưa?”. Anh Tiến thật thà: “Chưa bao giờ. Ngọc ốc là có thật, nhưng cực hiếm. Ở Hàm Ninh này, từ bao đời nay, người dân đã ăn hàng triệu con ốc giác rồi, chưa bao giờ nghe ai nói tìm thấy ngọc. Ngày xưa nhiều ốc giác, có con to cỡ bắp vế tôi, mà cũng không có. Tìm ngọc ốc giác còn khó hơn trúng số độc đắc”.
Tôi mang chuyện ngọc ốc giác ra thắc mắc, ông Nguyễn Văn Thành, một chuyên gia có hơn 50 năm tìm tòi, nghiên cứu về ngọc trai, đá quý ở TP.HCM nói: “Ngọc ốc giác là có chứ không phải truyền thuyết. Nhưng cực quý và hiếm hơn ngọc trai nhiều. Năm 1999, một viên ngọc ốc giác màu cam lửa hình cầu, xuất xứ Việt Nam, viên ngọc này có đường kính 23,0 x 19,35mm, không hề có sự can thiệp của bàn tay con người, do một người Thuỵ Sỹ bán đấu giá tại Hong Kong. Giá ban đầu là 20.000 - 30.000 đô la. Những sau đó người mua với giá gần 500 ngàn đô la”. |
Phúc Lập (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.