Đồng Nai: Nhói lòng cư dân dùng nến thay đèn điện để phản đối tăng phí dịch vụ nhà ở xã hội trên 70%

Nha Mẫn - H.Sơn Thứ tư, ngày 20/07/2022 13:30 PM (GMT+7)
Cư dân khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho rằng phí dịch vụ tăng trên 70% là quá cao nên không chịu đóng tiền. Họ mong muốn có cuộc gặp gỡ với chủ đầu tư, được thông tin rõ ràng về thu chi rồi mới thống nhất tiền phí dịch vụ.
Bình luận 0

Phí dịch vụ tăng "sốc", cư dân nhà ở xã hội không đồng tình, bị cắt điện 

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Dân Việt liên tục nhận phản ánh của người lao động nghèo sinh sống tại khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch (IDICO) thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai về việc chủ đầu tư tăng giá dịch vụ quá cao, nếu ai không chịu đóng sẽ bị cắt điện.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch. Ảnh: Nha Mẫn

Tìm hiểu về vụ việc này, những ngày giữa tháng 7, phóng viên đã có mặt tại các dãy nhà B3, B4, B1,... khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch. Chia sẻ với phóng viên, các hộ dân cho biết họ đa số là lao động có hoàn cảnh khó khăn, quê ở miền Trung, miền Bắc xa xôi vào đây để sinh sống, làm việc.

Tại khu nhà ở xã hội này, có người là công nhân, người là thợ hồ, người bán hàng ven các khu công nghiệp để mưu sinh qua ngày nên khá chật vật. Vì vậy, việc bị bất ngờ tăng giá dịch vụ trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, giá cả liên tục tăng... khiến những người dân ở đây bị “sốc”.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 2.

Chị T. chăm sóc con gái bị dị tật bẩm sinh. Ảnh: Nha Mẫn

“Mỗi căn nhà ở đây chỉ rộng từ 33m2 đến 50m2. Trong đó đa số lao động nghèo như chúng tôi sẽ mua những căn nhà có diện tích trên 33m2 với giá chỉ từ trên 150 triệu đến trên vài trăm triệu đồng nhưng chỉ phải trả trước 1 phần, phần còn lại được ngân hàng hỗ trợ, trả góp từ 10 - 15 năm. Riêng căn trên 50m2 được sở hữu bởi người có điều kiện hơn, mua để buôn bán, kinh doanh phục vụ cư dân sinh sống tại đây. Do đó chúng tôi nghĩ chủ đầu tư nên cân nhắc lại việc tăng phí dịch vụ phù hợp để bà con có thể vui vẻ đóng góp, tránh hai bên tạo áp lực cho nhau”, anh Nguyễn Phước Dũng, cư dân nhà ở xã hội chia sẻ.

Cũng theo các cư dân, việc tăng giá dịch vụ khởi điểm từ năm 2020 nhưng đa số người dân không chấp nhận. Bởi theo quy định muốn đưa ra một vấn đề gì mới, phát sinh vấn đề gì trong quá trình vận hành thì cần phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để đưa vấn đề ra bàn bạc, công khai… Qua đó, người dân nắm thông tin, có kiến, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng. 

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 3.

Một góc nhỏ trong khu chung cư. Ảnh: Nha Mẫn

Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ không được họp bàn, người dân không biết mà chỉ bất ngờ nhận được thông báo đóng tiền dịch vụ với giá cao hơn ban đầu trên 70%.

Cụ thể  đối với căn hộ khoảng 33m2, phí dịch vụ sẽ tăng từ 100.000 đồng/tháng lên 171.000 đồng/tháng. Mức cao nhất đối với căn hộ trên 53m2 là tăng từ 170.000 đồng/tháng lên 305.000 đồng/tháng. 

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 4.

Anh Dũng chia sẻ về những bức xúc của anh và các cư dân. Ảnh: Nha Mẫn

Theo cư dân Nguyễn Phước Dũng, chung cư này là nhà ở xã hội, không phải nhà ở thương mại nên hầu như ai ở đây cũng khó khăn. Vì thế, ví dụ doanh nghiệp muốn tăng phí dịch vụ lên thì cũng nên làm từ từ từng năm, từng giai đoạn. Mỗi lần doanh nghiệp tăng 10 - 20 - 30% chẳng hạn thì người dân còn dễ chấp nhận.

"Hiện nay họ ép chúng tôi bằng cách không đóng phí dịch vụ “giá trên trời” theo ý họ thì sẽ bị cắt điện. Nhiều hộ sợ cắt điện, ảnh hưởng đến cuộc sống nên buộc phải mang tiền đi đóng trong ấm ức. Đáng nói trong hợp đồng ký với người mua nhà năm 2014 không có điều khoản nếu không thực hiện đóng phí vận hành toà nhà thì bị cắt điện nhưng đa số cư dân bị cắt điện lại đều là người mua nhà năm 2014”, anh Dũng nói.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 6.

Những cây nến đã cháy dở. Ảnh: Nha Mẫn

Nỗi khổ của những cư dân không "gánh" nổi phí dịch vụ nhà ở xã hội

Khi chúng tôi đến khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch, trời đã nhá nhem tối, cũng là lúc mẹ con chị Phạm Thị Thu T. đang cùng nhau dọn dẹp lại căn bếp nhỏ để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Vừa luôn tay luôn chân làm việc chị T. cho biết mẹ con chị là những cư dân dọn đến khu nhà ở xã hội sống đầu tiên. Đến nay cả nhà chị đã gắn bó với nơi này được 8 năm.

Chị T. nhớ lại vào sáng ngày 13/7, khi chị và con gái đang nằm nghỉ ngơi cùng nhau ở giữa nhà thì bất ngờ bị cúp điện. Ban đầu hai mẹ con chị chấp nhận chịu nóng và xem tình hình ra sao. 

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 7.

Bị mất điện, gia đình anh Nguyễn Văn Lộc bị đảo lộn sinh hoạt nên chấp nhận đóng tiền để được mở điện lại. Ảnh: Nha Mẫn

Do con gái thứ 2 của chị T. bị dị tật bẩm sinh, lại thường lên cơn co giật nếu trời nóng nực nên chị T. buộc phải tìm đến đơn vị vận hành toà nhà để hỏi chuyện thì được thông báo chị không đóng phí dịch vụ nên bị cắt điện. Qua thương thảo, chị T. được mở điện sau khi đóng phân nửa số tiền phí dịch vụ truy thu từ 2020 đến nay và được yêu cầu phải đóng hết trong vòng 1 tháng.

"Thật lòng nếu tôi sống một mình có lẽ tôi sẽ không đóng phí để được mở điện vì bản thân thôi không đồng tình với việc phí dịch vụ tăng lên trên 70%. Hơn nữa chủ đầu tư lặng lẽ tăng giá, không thông báo trước như vậy là không tôn trọng người dân. 

Nhưng tôi sợ con gái tôi xảy ra chuyện nên đành xuống nước chấp nhận đóng tiền để có điện cho cháu sử dụng. Tuy nhiên, việc tôi đóng tiền không có nghĩa là tôi đồng tình với chủ đầu tư về phí dịch vụ", chị T. nói.

Cũng theo chị T. chị mong muốn chủ đầu tư phải gặp gỡ người dân nói rõ từng khoản thu chi, tăng ra sao, lạm phát như thế nào để người dân hiểu rõ vấn đề mới có thể thống nhất việc đóng phí dịch vụ trong thời gian tới.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 9.

Con gái chị T. dễ lên cơn co giật khi nóng nực nên chị T. đã phải đóng tiền dịch vụ để được mở điện lại. Ảnh: Nha Mẫn

Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình chị Thu Hiền nơi sát vách với gia đình chị T. Trong câu chuyện của mình, chị Hiền không giấu nổi ấm ức vì vừa phải đóng trên 4 triệu cho chủ đầu tư để có điện sử dụng trở lại. Chị Hiền nói rằng khi vợ chồng chị đang làm việc tại nhà máy thì cậu con trai ở nhà gọi điện báo nhà bị mất điện, nóng nực khó chịu. 

Lúc đầu vợ chồng chị cũng không rõ nguyên nhân mất điện, chỉ nghĩ là sửa chữa điện nên tạm thời bị cúp điện. Tuy nhiên, sau đó chị Hiền mới biết đây là động thái từ phía chủ đầu tư khi gia đình chị chưa thực hiện nghĩa vụ phí vận hành toà nhà. 

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 10.

Cầu dao điện sẽ bị sập xuống nếu hộ nào không đóng phí dịch vụ. Ảnh: Cư dân cung cấp

"Thấy hai con vừa nói vừa khóc vì nóng nực tôi cũng xót con lắm. Vậy nên hai vợ chồng bàn bạc lấy tiền đóng cho chủ đầu tư để họ mở điện trở lại. Thực tình chúng tôi bị ép vào đường cùng nên mới phải đóng chứ không có chuyện chúng tôi đồng thuận với tiền phí dịch vụ tăng 'sốc' như vậy. Vợ chồng tôi không hiểu họ căn cứ vào đâu để cắt điện khi tiền điện chúng tôi đóng đầy đủ, không thiếu đồng nào. Hơn nữa hợp đồng hai bên ký với nhau năm 2014 không có điều khoản cắt điện nước khi không đóng phí vận hành toà nhà. Thật lòng tôi chấp nhận có tăng phí dịch vụ thì tăng nhẹ, tăng vừa phải vì đa phần cư dân ở đây đều là công nhân nghèo, ai cũng khó khăn, thiếu thốn.", chị Hiền tâm sự.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 11.

Ổ khoá nhà điện. Ảnh: Nha Mẫn

Chấp nhận dùng nến thay đèn khi bị cắt điện, không chịu thỏa hiệp

Trong khi chị Hiền, chị T. và nhiều hộ khác chấp nhận thoả hiệp, đóng tiền để có điện sử dụng trở lại thì gia đình chị Dương Thị Vẻ lại chấp nhận chịu nóng, thắp nến để phản đối việc tăng phí dịch vụ từ chủ đầu tư.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 12.

Liên quan đến vấn đề cắt mở điện tại nhà ở xã hội, công an địa phương có đến làm việc khi người dân bức xúc phá khoá tự vào mở điện trở lại. Ảnh cư dân cung cấp

Chị Vẻ cho biết khi bị cắt điện chị cũng bực mình nhưng may chồng đi công tác xa, chỉ có mình chị ở nhà nên chị cũng hạn chế luôn nhu cầu sử dụng điện. Bởi chị Vẻ không muốn mọi việc chưa ngã ngũ vẫn phải đóng số tiền lớn hơn mức ban đầu quá nhiều.

"Lương công nhân ba cọc ba đồng nên mới mua nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Căn nhà này vợ chồng tôi mua có trên 150 triệu, chỉ trả được 1 ít, hiện số còn lại vẫn trả ngân hàng mỗi tháng nên không dư giả gì. Thực tình nếu phía công ty họp với dân, công khai rõ ràng mọi thứ để chúng tôi được biết thu chi ra sao thì sẽ dễ hơn cho cả hai bên. Việc này hiện tại chúng tôi vẫn chưa đồng tình với mức thu tiền như vậy nên họ cắt điện tôi để họ cắt, họ mở lại thì dùng, không thì thôi vì tôi cũng chịu khổ quen rồi", chị Vẻ nói.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 13.

Chị Vẻ dùng nến thay đèn điện. Ảnh: Nha Mẫn

Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Vẻ nói sẽ dùng nến thay cho đèn, dùng quạt giấy thay cho quạt điện, khi quá cần thiết thì buộc phải câu nhờ điện nhà lân cận.

Tương tự chị Vẻ, gia đình anh Đoàn Thanh Bừng cũng là hộ không chấp nhận đóng phí dịch vụ, chịu bị cắt điện để phản đối việc tăng phí dịch vụ. Anh Bừng nói rằng khi đi làm về phát hiện nhà bị cắt điện, anh đã dọn đến nhà người quen để ở nhờ còn nhà cửa anh chấp nhận khoá cửa. 

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 14.

Bảo vệ bên ngoài được thuê đến canh nhà điện. Ảnh: Nha Mẫn

"Việc chủ đầu tư tăng phí dịch vụ khiến tôi và nhiều bà con bức xúc liên tục phản đối và cầu cứu lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Đến nay các bên vẫn chưa thoả thuận, chưa thống nhất được mức phí nên tôi chưa muốn đóng tiền vội. Chỉ mong cơ quan chức năng can thiệp, chủ đầu tư có buổi làm việc với người dân để có thể đưa ra mức phí phù hợp", anh Bừng nhấn mạnh.

Nhói lòng ngọn nến leo lắt giữa lòng thị trấn - Ảnh 15.

Chị Vẻ sau khi đi làm về thì ăn bên ngoài về nhà nấu nước uống bằng bếp ga. Ảnh: Nha Mẫn

Liên quan đến vấn đề này qua trao đổi với phóng viên, thành viên ban quản trị khu nhà ở xã hội cho biết ban quản trị được thành lập từ 2018. Mặc dù vậy nhưng do khi bàn giao lại thì chủ đầu tư không công khai thu chi, tiền bạc chưa rõ ràng nên ban quản trị chưa dám nhận bàn giao. Do đó, hiện nay việc thu chi phí dịch vụ vẫn do chủ đầu tư trực tiếp làm việc với người dân.

Anh B. bị cúp điện trong đêm ngay thời điểm con bị sốt nên đã làm liều phá ổ khoá phòng điện để mở lại điện. 

Thành viên ban quản trị cho biết, anh B. là người trong ban quản trị. Nhà anh cũng bị cắt điện vì phản đối phí dịch vụ quá cao. Liên quan đến vấn đề cắt mở điện tại nhà ở xã hội, công an địa phương có đến làm việc khi người dân bức xúc phá khoá tự vào mở điện trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem