Đầu tháng 9 cũng là lúc cuối mùa na, những quả na đầu bắt đầu hiếm dần, chỉ còn nhiều quả na vai và chủ yếu là na chân (na bi). Nhưng vẫn rất nhiều thương lái từ khắp các tỉnh lân cận lên đây thu mua vận chuyển na về dưới xuôi để bán. Theo như bà con cho biết, một cây na mỗi vụ cho 3 lần quả, lần 1 gọi là lứa na đầu, lần 2 gọi là na vai, và lần 3 gọi là na chân (thương lái vẫn quen gọi là na bi).
Những gánh na vừa thu hái từ "cổng trời" xuống, nhanh chóng được chàng thanh niên trẻ gánh ra chợ bán cho kịp chuyến xe của các thương lái. "Cổng trời" nơi mà bà con nhắc đến chính là nơi có những vạt na bạt ngàn, xanh mướt.
Những gánh na được "tuyển chọn" sau đó được gánh ra chợ bán. Những quả na cuối mùa loại to này hiện nay đang được bán với giá 35 - 45 nghìn đồng/kg. Giá bán na ở đây cao hơn một số vùng nhưng "đắt xắt ra miếng", na dai Chi Lăng rất ngọt và thơm, không nơi nào sánh bằng.
Ngay từ sáng sớm, bà con đã chuẩn bị nào thúng, nào đòn cho một ngày leo núi hái na. Nhiều gia đình có vườn ở xa, có hôm đã phải đi từ 4h sáng.
Các cô thương lái "tranh nhau" những gánh na "nóng hổi" vừa được thu hoạch từ trên vườn xuống. Na cuối mùa dù quả không còn đẹp như lúc đầu mùa nhưng vẫn rất đắt hàng. Na cứ từ "cổng trời" theo ròng rọc trôi xuống, gánh ra chợ là có người thu luôn.
Bà Hoàng Thị Trung, thôn Pha Lác, thị trấn Đồng Bành, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ngồi nghỉ và thưởng thức những quả na thơm ngon do chính tay bà chăm sóc, cắt tỉa. Bà Trung phấn khởi khoe: "Năm nay na được mùa, thương lái đến mua nhiều nên cũng được giá. Vườn na nhà bà năm nay cho thu hoạch 3- 4 tấn, tiền bán na cũng được hơn 100 triệu đồng. Giờ đang cuối mùa, quả na bé hơn nên giá bán cũng không bằng chính vụ".
Những "thồ na" nhanh chóng được chủ vườn chở ra chợ bằng xe máy hoặc xe thồ, mỗi thúng na như vậy nặng khoảng 20 - 30kg. Vào đúng mùa, những trái na "rủ nhau chín" nên nhiều gia đình phải thuê 3 - 4 người hái.
Chú Thành, thôn Minh Hòa, thị trấn Đồng Bành tất bật gánh những gánh na ra chợ bán dù trời đang mưa. "Cuối mùa rồi, quả na bé hơn nhưng thương lái vẫn đến thu mua nhiều. Vườn nhà chú phải leo núi đá khoảng 3- 4km thì mới đến nơi. Nhưng na năm nay được mùa, được giá nên gia đình cũng rất vui", chú Thành phấn khởi.
Người phụ nữ cười rạng rỡ bê rổ na ra bày bán. Nhờ cây na mà nhiều người dân vùng đất ải Chi Lăng đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, na năm nay đẹp mã lại đạt tiêu chuẩn VietGAP nên khách hàng càng yên tâm, bỏ “hầu bao” ăn na và mua thứ đặc sản này về biếu người thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.