Kết thúc mùa giải bóng đá lớn nhất hành tinh, những sản phẩm quá hạn cầm cố của dân cá độ chất chồng trong kho của các tiệm cầm đồ. Muốn thu hồi vốn nhanh, không bị lỗ, các chủ tiệm cầm đồ đua nhau thanh lý. Mặt hàng chủ yếu là xe máy, điện thoại và laptop.
Anh Q.V, chủ tiệm cầm đồ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mùa bóng năm nay anh chủ yếu cầm điện thoại và xe máy. Hiện tại, cửa hàng của anh cần thanh lý vài chiếc iPhone X 128 Gb và 256 Gb với giá dao động từ 17-18 triệu đồng (tùy theo hình thức, dung lượng, thời gian sử dụng và đó là bản lock hay bản quốc tế…).
Một số xe số như các dòng Wave, Dream… tại tiệm cầm đồ của anh chỉ bán với giá 9-10 triệu đồng, còn các xe tay ga có giá cao hơn nhiều. Cụ thể, chiếc xe SH 150i ABS năm 2018 thanh lý với giá gần 100 triệu đồng, còn lại các dòng SH khác giá dao động từ 50-70 triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng xe.
Thị trường thanh lý tại các hiệu cầm đồ hậu World Cup diễn ra nhộn nhịp.
Anh T.B, một chủ tiệm cầm đồ tại Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết “Mình không muốn cầm cố nhiều đồ của dân cá độ vì có cầm cũng xác định phải thanh lý, ít người đến chuộc lại. Vì thế, mình chỉ cầm được khoảng chục chiếc iPhone và một số xe máy có giá trị không cao”.
Hầu hết khách đến cầm đều không đến chuộc đồ về, anh phải thanh lý toàn bộ các sản phẩm này. Tại tiệm cầm đồ của anh, các sản phẩm thanh lý đều bán cho dân buôn, không bán lẻ. Lý giải về vấn đề này, anh cho rằng vốn không có nhiều, mà giá bán buôn với bán lẻ không chênh nhau nhiều, giữ lại mất thời gian, chật kho, đồ có thể bị hư hỏng.
Ở các tỉnh lẻ, thị trường thanh lý đồ cầm cố quá hạn cũng nhộn nhịp không kém. Anh Tùng, quản lý một tiệm cầm đồ ở Hòa Bình cho hay mùa World Cup cửa hàng của anh chủ yếu cầm đồ các sản phẩm là xe máy. “Cứ 10 người đến cầm đồ thì chỉ có 5 người đến lấy lại, còn lại phải thanh lý”, anh chia sẻ.
Theo anh, tiệm cầm đồ anh quản lý không để hàng tồn kho lâu, những hàng quá hạn sẽ được thanh lý nhanh trong 1-2 ngày. Anh chủ yếu gọi dân buôn đến lấy, chỉ có ai đặt hàng trước mới để lại.
Không chỉ thế, thị trường thanh lý đồ quá hạn tại các tiệm cầm đồ cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cũng rao bán những chiếc điện thoại, xe máy, laptop với những lời quảng cáo “giá rẻ”, “giá rẻ như bèo” và “thanh lý giá lỗ”.
Thị trường thanh lý đồ quá hạn ở các tiệm cầm độ cũng diễn ra nhộn nhịp hơn.
Khi được hỏi về lý do treo biển thanh lý của một số tiệm cầm đồ, chủ một hiệu cầm đồ khẳng định việc treo biển thanh lý giá rẻ, giá thấp hơn thị trường chỉ là chiêu trò để thu lợi cao hơn. “Vì ai cũng biết giá các đồ như điện thoại, xe máy, ôtô sẽ bị hạ sau World Cup nên các tiệm cầm đồ treo biển thanh lý với mong muốn bán lẻ giá cao hơn. Dân buôn chủ yếu mua với giá thấp, chủ tiệm cầm đồ nào có nhiều vốn để giữ hàng và muốn có lãi cao thì phải bán lẻ”, anh chia sẻ.
Theo anh, mỗi sản phẩm thanh lý cho khách mua lẻ chênh với mua buôn lên đến vài chục triệu đồng. Các sản phẩm có giá trị càng cao như ôtô, nhà đất… thì giá chênh lệch giữa khách mua lẻ và mua buôn càng lớn, chủ tiệm thu lợi càng nhiều.
Anh cũng cho rằng dù rao bán giá “rẻ như bèo” hay “rẻ như cho”, các tiệm cầm đồ vẫn không hề bị lỗ. Theo anh, người kinh doanh lĩnh vực này sẽ sử dụng chiêu “dìm giá” sản phẩm của khách để tránh trường hợp thanh lý bị lỗ.
Theo quy định pháp luật, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.