Nhu cầu sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tăng đột biến, sắp có vaccine

Bạch Dương Thứ ba, ngày 04/07/2023 14:59 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, vừa có một công ty sản xuất vaccine phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Có thể đến năm 2024, vaccine này sẽ được cấp phép.
Bình luận 0
Nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng tăng đột biến, sắp có vaccine - Ảnh 1.

Khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: B.D

Trước tình hình gia tăng ca mắc tay chân miệng, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 (EV71) khiến số ca mắc chuyển nặng, dẫn đến tử vong tăng cao, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng đang tăng đột biến.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Nếu như tuần 14 chủng này chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

Theo Bộ Y tế, hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.

Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý dược, ngày 23/6 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Ước tính hiện mỗi tuần ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin- tương đương với 35 ca cần điều trị/ tuần.

Với số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dung thuốc này tiêm tĩnh mạch.

Tuy nhiên, do tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.

Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung ứng thuốc bị hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo về Bộ trong trường hợp thiếu nguồn cung nhằm đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh.

Nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng tăng đột biến, sắp có vaccine - Ảnh 3.

Một trường hợp tay chân miệng chuyển nặng. Ảnh: BVCC

Được biết, vaccine tay chân miệng đăng ký tại Bộ Y tế được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 tại Đài Loan (Trung Quốc), giai đoạn 3 tại Việt Nam, đơn vị phối hợp nghiên cứu là Viện Pasteur TP.HCM.

Vaccine tay chân miệng được nghiên cứu là vaccine bất hoạt, phòng bệnh tay chân miệng do các chủng EV71 gây ra, do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institutes, Đài Loan) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vaccine được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 năm 2010 trên 60 tình nguyện viên khỏe mạnh, cho các kết quả an toàn và sinh miễn dịch. Từ năm 2014 - 2017, vaccine được tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lân sàng giai đoạn 2 với 365 tình nguyện viên tham gia, tuổi từ 2 tháng đến 12 tuổi.

Giai đoạn 3 được thử nghiệm trên 3.049 trẻ (Việt Nam có 2.533 trẻ), được thu tuyển từ tháng 4 – 12/2019 tại 5 bệnh viện của Đài Loan và 6 huyện tại 2 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Nghiên cứu đã kết thúc vào tháng 4/2021. Trẻ được tiêm 2 liều cách nhau 2 tháng, một mũi nhắc lại được tiêm sau 1 năm cho trẻ nhóm 2 tháng đến 2 tuổi

Kết quả cho thấy, vaccine nghiên cứu đã giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tay chân miệng do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, với mức bảo vệ 96,8%, chưa ghi nhận ca mắc tay chân miệng nào trong nhóm trẻ được tiêm vaccine trong 2 năm triển khai nghiên cứu.

Vaccine tay chân miệng đang xin cấp phép tại Việt Nam được chỉ định tạo miễn dịch chủ động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 6 tuổi để phòng bệnh do nhiễm EV71.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem