Nhức nhối ẩn khuất sau thành tích

Thứ sáu, ngày 30/07/2010 11:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 75.691 học sinh bỏ học ở học kỳ 1 năm học 2009-2010, và số liệu học sinh bỏ học học kỳ 2 bao giờ cũng cao hơn học kỳ 1 nhưng rất tiếc đó lại là con số “khuất lấp” sau hàng trăm con số “đẹp” được Bộ GD-ĐT công bố.
Bình luận 0
img
Đò giang cách trở là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bỏ học.

Vấn đề “nhỏ” trong thành tích lớn

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và nhiệm vụ năm học 2010-2011 diễn ra tại Hà Nội ngày 29-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển báo cáo hàng loạt những con số “đẹp”: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92,57%, tỷ lệ phát triển mạng lưới trường lớp công lập tăng từ 116 - 169% (tuỳ cấp học); tỷ lệ học sinh hạnh kiểm tốt, học sinh giỏi đều tăng cao so với năm học trước.

Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành giáo dục. Thế nhưng, một con số cần được lưu ý là số học sinh bỏ học thì hầu như không được đả động đến. Hết năm học 2009-2010, Bộ mới có số liệu bỏ học của học kỳ 1 với 75.691 học sinh bỏ học ở cả 3 cấp, chiếm 0,51% tổng số học sinh, trong đó bỏ học nhiều nhất là ở cấp THPT (33.678 em). Tính theo vùng thì ĐBSCL có tỷ lệ bỏ học cao nhất: 0,83% (23.164 em).

Ông Cao Minh Hồng- Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Cà Mau nói: “Thực tế ở tỉnh Cà Mau, số học sinh bỏ học học kỳ 2 bao giờ cũng cao hơn học kỳ 1, bởi sau Tết, học sinh cấp 2, 3 bỏ học ồ ạt đi làm thuê. Tỷ lệ cả năm có thể lên tới trên dưới 2%”. Chưa tính tới con số “cao ngất ngưởng” đó, chỉ tính tỷ lệ bỏ học tương đương với năm học 2007-2008 (0,94%) thì con số học sinh bỏ học tính chung trong cả nước có thể lên tới 150.000 em.

Nguyên nhân học sinh bỏ học cũng không được nhắc đến, dù trong năm học 2009-2010, nhiều tỉnh thành cho biết, khá nhiều học sinh nghỉ học do bão lũ bất thường, gia đình bị mất tài sản nên khó có thể cho con cái theo học.

Các tỉnh tự thân vận động

Ông Bùi Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đưa tới Hội nghị một kinh nghiệm: Tỉnh này tiến hành tuyển chọn công khai cán bộ quản lý trong các cơ sở đào tạo, có sự bình chọn của giáo viên. Hàng năm, các trường tổ chức đánh giá giáo viên từ trên xuống dưới. Nếu giáo viên nào thường xuyên bị đánh giá yếu kém, nhất là về chuyên môn thì tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn. Nếu không cải thiện thì chuyển làm việc khác. Cán bộ quản lý yếu kém về tư cách cũng chuyển nhiệm vụ.

Để hạn chế học sinh bỏ học, ngành giáo dục các địa phương thường phải tự thân vận động. Ông Hồng cho biết, năm học 2009-2010, Cà Mau chi khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ tiền đò cho học sinh tới trường nhưng chưa thể cải thiện tình trạng trẻ em bỏ học vì kinh tế gia đình các em quá khó khăn.

Tại nhiều địa phương khác, học trò bỏ học vì thiên tai, bão lũ cũng rất lớn. Điển hình như ở Kon Tum, cơn bão số 9 cuối năm 2009 đã khiến nhiều học trò không có cơ hội tới trường. Ngay sau đó, tỉnh này phải tức tốc xây dựng lại trường lớp, phát triển mô hình trường bán trú giúp các em yên tâm học tập, duy trì sĩ số.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng: “Mô hình loại trường này tạo điều kiện cho các em gần gũi với thầy cô, tăng thời gian tự học, khắc phục được tâm lý nhút nhát vốn có của các em. Ngoài ra, học tập trung việc đi lại sẽ đỡ vất vả, nhất là vào mùa mưa, đảm bảo an toàn cho các em, giúp hạn chế số học sinh bỏ học”.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu nhiều tỉnh thành, đó là các “biện pháp tình thế” của địa phương nhằm giải quyết nạn học sinh bỏ học. Căn cơ hơn thì cần phải có chính sách chung, đồng bộ hơn để giảm tỷ lệ nhức nhối trên, tạo cơ hội cho học sinh nghèo tới trường. Rất tiếc, vấn đề này không được đặt lên “bàn nghị sự” của Hội nghị

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem