Lâm Đồng là tỉnh có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn với trên 278.000ha và trên 350.000ha đất gieo trồng. Chính vì vậy, lượng rác thải nông nghiệp đổ ra môi trường hàng năm rất lớn, nếu không xử lý đúng cách, kịp thời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của chính người dân.
Rác thải nông nghiệp trong sản xuất bao gồm tàn dư thực vật, các phế phẩm từ quá trình sản xuất như khay, vỉ xốp, màng phủ nylon, vỏ bao gói phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng.
Trong quá trình sản xuất sẽ có lượng rác rất lớn, ngay trong các khu du lịch của Đà Lạt như hồ Than Thở, hồ Xuân Hương hay xa hơn là hồ Đan Kia - Suối Vàng đều tràn lan các loại rác thải như chai lọ thuốc BVTV, vỉ xốp, bao bì…
Rác thải dạt vào bở tạo thành một dải trắng tại hồ Đan kia - Suối Vàng. Ảnh: Văn Long.
Anh Đình Quyền (Tùng Lâm, phường 7, TP. Đà Lạt) chia sẻ: “Đa số các hộ dân làm rau và hoa ý thức còn kém, khi canh tác thì xả rác ra môi trường mà không thu gom, xử lý”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm du lịch Hồ Than Thở có lượng rác đổ về rất lớn, nguyên nhân là do các hộ dân dọc theo con suối chảy từ hướng làng hoa Thái Phiên xả rác xuống. Đến mùa mưa, hầu hết các loại bao bóng, chai thuốc BVTV đều theo dòng đổ ra hồ trước sự chứng kiến của nhiều du khách.
Hồ Than Thở rác tràn về khiến mực nước tại hồ giảm mạnh, bồi đắp nhiều năm tạo thành một dải nổi trên mặt nước. Ảnh: Văn Long.
Cũng trong tình cảnh tương tự, khu vực hồ lắng của hồ Xuân Hương, rác thải cũng tràn lan khắp mặt hồ do các hộ dân canh tác rau, hoa trong nhà kính xung quanh hồ xả thải ra. Mặc dù đã có hệ thống song sắt rào chắn rác nhưng mỗi khi mưa lớn, một lượng lớn rác tràn qua và trôi vào hồ Xuân Hương, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch của tỉnh, trong khi hồ là địa điểm rất thu hút du khách.
Ông Đặng Phước Nhân (phường 12, TP. Đà Lạt) cho biết: “Nhiều hộ dân sau khi thu hoạch rau và hoa xong thì mang các phần phế phẩm chất đống dọc các con suối ở phường 12, sau đó mưa lớn nước cuốn theo các loại rác này, đổ xuống cuối nguồn là hồ Xuân Hương gây phản cảm, bốc mùi hôi thối”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, lượng rác thải nông nghiệp là bao gói thuốc BVTV hàng năm vào khoảng 350 – 390 tấn, tuy nhiên việc thu gom và tiêu hủy chỉ đạt 18,4 tấn/390 tấn, chiếm 4,7%. Một câu hỏi đặt ra là số rác còn lại sẽ đi về đâu, ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?
Ông Đào Văn Toàn – Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Đến nay, toàn tỉnh đã đặt được 700 bể thu gom bao gói thuốc BVTV, phấn đầu đến năm 2020 sẽ đặt được khoảng 37.800 bể thu gom. Việc xử lý này cần sự vào cuộc phối hợp của nhiều ban ngành, các địa phương và sự chung tay của người dân”.
Ông Đào Văn Toàn cho biết việc xử lý rác thải nông nghiệp cần sự chung tay rất lớn của người dân địa phương. Ảnh: Văn Long.
Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2014 – 2017, Chi cục đã tổ chức tập huấn trên 400 đợt, cấp phát 18.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV. Bên cạnh đó tuyên truyền, hướng dẫn cho các công ty, trang trại có sử dụng thuốc BVTV tổ chức thu gom, bảo quản và ký hợp đồng tiêu hủy rác theo đúng quy định.
Ngoài ra, năm 2016, Sở NNPTNT đã phối hợp với các sở ngành, Tỉnh đoàn, UBND huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt tổ chức 3 lễ phát động ra quân thu gom rác thải nông nghiệp tại khu vực đầu nguồn hồ Xuân Hương và hồ Đan Kia - Suối Vàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.