Những bản làng “khát”

Thứ năm, ngày 24/03/2011 15:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ít các công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con các bản, làng đặc biệt khó khăn ở Nghệ An được xây dựng từ nguồn vốn 135 đang "đắp chiếu" hoặc "bỏ hoang", trong khi người dân đang "khát" nước sạch.
Bình luận 0

Trong chuyến công tác về huyện Tương Dương (Nghệ An) mới đây, chúng tôi ghé thăm bản Lả, xã Lượng Minh, bản dân tộc Thái nằm ở khu vực hạ lưu của dòng Nậm Nơn và được chứng kiến nỗi vất vả của người dân bản Lả khi phải chở từng can nước sạch về nhà, rồi lại hì hục bê lên cầu thang nhà sàn.

img
Một bể nước tại bản Lả bị bỏ hoang vì không còn một giọt nước.

Chỉ 2/8 bể có nước

Hỏi chuyện, Trưởng bản Lô Văn Thương cho biết: "Bản được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy và 8 bể chứa nước sạch, công trình hoàn thành từ năm 2004. Một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, lưu lượng nước trong đường ống giảm dần, các bể chứa cũng ngày một cạn. Cho đến nay chỉ còn 2/8 bể có nước, còn lại khô trơn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của bà con".

img Nguyên nhân làm nguồn nước ở bản Lả ngày một suy giảm là do thiếu trách nhiệm trong khảo sát, quy hoạch của đơn vị thi công. img

Bản Trung Thắng, Xốp Khấu, xã Yên Thắng và bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa người dân cũng chật vật vì thiếu nước sạch. Việc hàng chục người vây kín và tranh giành nhau tại một bể nước đã trở nên bình thường, thậm chí người dân bản Trung Thắng còn phải ra cạnh suối đào một cái hố nhỏ để nước suối thẩm thấu vào rồi lấy về tắm rửa, nấu ăn.

Nguyên nhân do hệ thống đường ống dẫn nước và các bể chứa xuống cấp, lượng nước chỉ chảy về 1-2 bể. Đặc biệt, bản Xiềng Líp tất cả các bể đều khô sạch ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn xuống cấp, hư hỏng sau khi hoàn thành chưa được bao lâu ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn)...

Đừng để lãng phí nguồn vốn

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, anh Lô Văn Thương, cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan nguồn nước ngày một suy giảm còn là việc thiếu trách nhiệm trong việc khảo sát, quy hoạch của đơn vị thi công nên sau mỗi trận lũ lụt, hệ thống đường ống lại bị hư hỏng. Thêm vào đó, do chất lượng đường ống không đảm bảo nên đưa vào sử dụng chưa được âu đã có hiện tượng rò rỉ, đứt gãy.

Lý giải của anh Lô Văn Thương cũng là lời giải thích của bà con bản Trung Thắng và Xốp Khấu, xã Yên Thắng. Đến bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, để tìm hiểu thêm, người dân ở đây dẫn chúng tôi lên ngược nguồn khe Líp, nơi đặt hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy về bản.

Đi chừng 6-7km, chúng tôi phát hiện chỗ đứt gãy của hệ thống đường ống do nạn khai thác vàng sa khoáng. Đó là chưa kể những đoạn đường ống đã nằm lộ thiên, thậm chí lơ lửng giữa hai ụ đất có thể đứt gãy bất cứ lúc nào. Người dẫn đường cho biết thêm, nếu tiếp tục đi ngược lên, sẽ thấy một số đoạn đường ống bị đứt...

“Các cấp chính quyền và ban ngành liên quan ở Nghệ An vào cuộc để khảo sát, thống kê và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công trình nước sạch thuộc Chương trình 135 không phát huy hiệu quả, thậm chí là xuống cấp hoặc hư hỏng. Từ đó, tìm hướng xử lý và khắc phục, để chúng tôi được hưởng chương trình, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào vùng cao”- Trưởng bản Lô Văn Thương đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem