Những bản làng mới cho hộ dân di cư tự do

Khương Lực Thứ hai, ngày 30/10/2023 23:03 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2005 đến tháng 9/2022, các địa phương nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên đã bố trí ổn định cho hơn 48.000 hộ dân di cư tự do. Nhiều khu tái định cư, làng mới đã được hình thành. Điện, đường và những công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn chỉnh đã giúp cho các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Lập khu dân cư mới ở vùng biên giới

Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bố trí sắp xếp cho 249 hộ dân chưa ổn định cuộc sống trên địa bàn và đầu tư một số hạ tầng thiết yếu, tổng số vốn đầu tư được phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã bố trí, sắp xếp ổn định cho 229 hộ dân di cư tự do vào vùng dự án.

Những bản làng mới cho hộ dân di cư tự do - Ảnh 1.

Với 2ha trồng cà phê, tiêu, mỗi năm gia đình anh Phạm Văn Công - thôn 3, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông thu về từ 200-300 triệu đồng. Ảnh: Khương Lực

Việc thực hiện đầu tư dự án với 7 hạng mục công trình đã giúp vùng dân cư biên giới xã Thuận Hà "thay da đổi thịt" từng ngày. Trên con đường dân vào khu dân cư của Dự án là bạt ngàn những ruộng lúa nước, vườn cây công nghiệp, những quả đồi trồng keo, sắn. Thay vì chặt phá rừng như trước đây, nhiều hộ dân nơi đây đã trồng rừng keo trên những quả đồi cao để tạo sinh kế cho gia đình.

Cùng với những tuyến đường giao thông đi lại thuận tiện, công trình thủy lợi đập Đắk Tiên Tranh hoàn thành đã đáp ứng công tác tưới tiêu cho khoảng 300ha ruộng và hàng ngàn ha cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn xã Thuận Hà, huyện Đắk Song và xã Đắk Bút So, huyện Tuy Đức.

Vào Đắk Nông từ năm 1999, đến nay, gia đình anh Phạm Văn Công ở thôn 3, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông đã có cuộc sống ổn định. Cùng với cửa hàng tạp hóa do vợ anh bán, hàng ngày anh đi làm rẫy trồng tiêu, cà phê. Với hơn 2ha trồng tiêu, cà phê, gia đình anh thu từ 300-400 triệu đồng/năm.

"Hiện tại đến bây giờ mình thấy cuộc sống cũng ổn định hơn so với trước nhiều, sản xuất nông nghiệp mình có rẫy làm. Trước kia mình thấy như ở đây tôi thấy dân làng ít, bữa nay cũng nhiều, đường sá, mọi thứ thuận tiện hơn nhiều. Ví dụ như trường học, điện nước, đường sá cũng thuận tiện" -  Công nói.

Do có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cho sự phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị nên người dân di cư tự do từ các tỉnh, thành phố khác kéo đến sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với số lượng rất lớn. Tính đến tháng 7/2023, tỉnh Đắk Nông có hơn 38 nghìn hộ với gần 174 nghìn khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh thành trên cả nước đến sinh sống.

Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã ổn định đời sống cho hơn 32 nghìn hộ, còn hơn 5 nghìn hộ với 24 nghìn khẩu chưa ổn định cuộc sống, cần bố trí, sắp xếp trong thời gian tới.

"Về đích" bố trí, sắp xếp dân di cư tự do

Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm nóng về di dân tự do. Nhiều năm trước đây, cả mấy nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt di cư tự do vào đây. Suốt 20 năm qua, những nỗ lực của chính quyền địa phương đã giúp bà con người Thái, người Mông, người Tày dần có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ dân còn biết làm giàu trên quê hương mới.

Những bản làng mới cho hộ dân di cư tự do - Ảnh 3.

Đồng bào H'Mông di cư vào xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk nay đã có cuộc sống ổn định.Ảnh: Khương Lực

Những bản làng mới cho hộ dân di cư tự do - Ảnh 4.

Thôn Ea Bar, xã Cư Pui tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Bà con người Mông váy áo súng sính, các chàng trai vác khèn đến xã cùng giao lưu văn nghệ. Ảnh: Khương Lực

Tuyến đường đi vào xã Cư Pui giờ đang được mở rộng, nâng cấp đổ bê tông thoáng rộng, phẳng lỳ. Trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk triển khai đầu tư Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Đây là dự án bố trí dân di cư cuối cùng trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Đến thôn Ea Bar, xã Cư Pui vào đúng ngày các thôn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Bà con người Mông váy áo súng sính, các chàng trai vác khèn đến xã cùng giao lưu văn nghệ. Mấy lão nông người Thái ôm đàn tính tẩu. Sắc phục truyền thống của bà con người dân tộc Tày, người Thái, người Mông như tô điểm thêm cho cuộc sống phồn thịnh nơi cao nguyên.

"Hạ tầng cơ sở trên địa bàn xã tương đối đầy đủ, các tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa từ các thôn đến trung tâm xã và các tuyến liên thôn cũng như đường giao thông nội đồng. Các trường học đã được kiên cố hóa, xóa đi những trường học tạm bợ, đến nay các trường học trên địa bàn xã cũng đã đầy đủ" – ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui vui vẻ nói

Ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, về kết quả thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào, theo dự án được phê duyệt có 4 dự án cho 1.373 hộ với khoảng 8.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, thực tế đã ổn định cho được 2.851 hộ và khoảng hơn 16.000 nhân khẩu. 

 Theo ông Pháp, sau khi dự án ổn định dân di cư tự do của Ea Rớt hoàn thành thì cơ bản trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc thực hiện các dự án sắp xếp dân cư cho đồng bào di cư vào huyện Krông Bông. Việc bố trí sắp xếp các hộ dân di cư tự do vào điểm dân cư theo quy hoạch đã tạo điều kiện cho các hộ dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem