Ông nông dân Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như ý, vạn con như một, ai nhìn cũng mê

Nguyễn Việt Thứ sáu, ngày 29/12/2023 18:46 PM (GMT+7)
Những ngày này, ông Phạm Văn Gần, 62 tuổi, thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đang tập trung chăm sóc 15.000 con gà chíp ri lai để bán vào dịp Tết. Cả đàn gà đều trổ mã đẹp, vạn con như một, ai nhìn cũng mê. Ông nông dân này có bí quyết gì "đúc" được đàn gà đẹp như vậy?
Bình luận 0
Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 1.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 2.

Bí quyết "đúc" gà vạn con như một của lão nông ở Hải Dương

Đến nhà ông Phạm Văn Gần, thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, mới đến gần nhà đã nghe tiếng ồn ào của 15000 con gà đang "biểu tình" đòi ăn. 

Nhà ông trên lưng chừng đồi, xung quanh là 4 dãy chuồng gà nằm xen giữa đồi vải. Dưới các gốc vải nhung nhúc gà. Con nào con nấy trổ mào đỏ chót, lông mượt mà dáng đẹp đều tăm tắp, vạn con như một, khách nhìn rất thích thú.

Khi thấy ông Gần đến gần chuồng gà, hàng nghìn con từ khắp các tán vải chạy về xúm lại theo sau chân ông. Mỗi lần ông cúi xuống chỉnh lại dụng cụ đựng cám và nước uống, chúng ập vào tranh nhau mổ cám hoặc uống nước. Con nào con nấy đều khoẻ mạnh.

Trò chuyện với ông Gần được biết đây là lứa gà Tết của gia đình. Lứa gà này ông nuôi 15000 con gà chíp ri lai và đã được hơn 3 tháng.

Khi được hỏi vì sao lại chọn gà ri lai mà không nuôi gà khác cho "được cân" hơn?. Ông Gần cho biết: "Lứa gà Tết tôi nuôi để cung cấp gà lễ cho người tiêu dùng làm cỗ Tết để cúng. 

Gà ri lai trọng lượng mỗi con vừa phải, không to quá, không nhỏ quá, phù hợp với làm lễ, thứ hai gà ri lai có mã đẹp người tiêu dùng ưa thích nên dễ bán hơn các giống gà khác"

Clip: Đàn gà Tết 15000 con của ông Phạm Văn Gần, thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương trổ mã đẹp, đều vạn con như một, ai nhìn cũng mê. T/h: Nguyễn Việt.

Cũng theo ông Gần, trước đây ở Chí Linh các hộ nuôi gà Tết rất nhiều những mong giá bán gà dịp Tết sẽ cao. Tuy nhiên do nguồn cung nhiều nên các hộ nuôi gà Tết khó tiêu thụ, thành ra lại không có lãi cao, lại vất vả nên nhiều người từ bỏ dần nuôi gà Tết để cho chuồng có thời gian nghỉ để ra Tết bắt đầu nuôi. Giờ còn ít hộ nuôi nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn và có lãi.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 4.

Do có không gian diện tích rộng nên ông Phạm Văn Gần nuôi với quy mô lớn 15000 con gà chíp ri lai bán Tết. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 5.

Nuôi gà lứa Tết diễn ra đúng vào mùa đông, thời tiết lạnh, ông Gần phải che kín làm ấm chuồng. Ảnh: Nguyễn Việt.

Việc nuôi gà bán Tết thường khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các lứa gà khác trong năm, bởi thời điểm nuôi gà Tết rơi vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, dễ phát sinh dịch bệnh. 

Vì vậy, để có đàn gà bán Tết, những hộ chăn nuôi gà Tết như ông Gần phải mất nhiều công sức, chi phí tốn kém trong việc bảo vệ đàn gà trong những ngày giá rét.

Khi thời tiết rét đậm, rét hại ông Gần luôn che chắn kín chuồng, tăng chất độn chuồng, rắc men vi sinh để xử lý mùi trong chuồng, khi nhiệt độ xuống thấp nữa, ông sẽ đặt các thùng phi và chất củi trong thùng phi và đốt để sưởi ấm cho đàn gà. 

Mặt khác, ông còn tăng cường phun khử trùng, phòng chống dịch bệnh, tăng cường thuốc bổ, khoáng chất, vitamin để cho gà có sức khoẻ, chống chịu thời tiết và những nguy cơ mắc dịch bệnh.

Từ khi chuyển sang nuôi gà Tết giống ri lai để làm gà lễ và đòi hỏi con gà khi xuất bán phải có mã đẹp nên việc chăm sóc cũng kỹ hơn so với nuôi gà lai chọi. Đặc thù giống gà chíp ri lai lại có đặc tính hay mổ nhau dẫn đến bị thương hoặc gây rụng lông sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Để đối phó với tình trạng gà mổ nhau, ông Gần đã "đeo kính" cho từng con gà. Việc đeo kính này giúp chúng hạn chế tầm nhìn nên sẽ không mổ nhau. Ông Gần lý giải "kính của gà" thực ra là có 2 tấm nhựa gắn lên 2 mắt gà để che tầm nhìn của chúng.

Việc "đeo kính" cho 15.000 con gà tuy có mất nhiều công sức hơn nhưng bù lại đàn gà của ông Gần không có tình trạng mổ nhau. Gà khi trổ mã mào đỏ rức, lông mượt mà, dáng đẹp đã giúp cho việc bán gà được dễ dàng thuận tiện và được giá cao hơn.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 6.

Để tránh gà mổ nhau là hỏng mã, ông Gần có bí quyết "đeo kính" cho gà để che tầm nhìn của chúng. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cũng theo ông Gần, việc "đeo kính" cho gà ri lai, nhiều người cũng biết, tuy nhiên không phải người nào cũng làm, bởi việc "đeo kính" cho gà mất nhiều công sức. 

Còn đối với đàn gà ri lai của gia đình, ông đều thực hiện đầy đủ. Đổi lại là gà Tết của ông luôn có mẫu mã đẹp hơn, dễ bán và có giá cao hơn.

Hi vọng vụ gà Tết thắng lợi

Như vụ gà Tết năm ngoái, ông Gần cũng nuôi 15000 con gà chíp ri lai, ông luôn bán với giá 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông Gần còn lãi 30 – 40 triệu đồng/1000 con. Với quỹ mô nuôi 15.000 con, cả vụ gà Tết ông Gần lãi từ 450 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng.

Còn vụ gà Tết năm nay, đến thời điểm này, đàn gà của ông phát triển rất đều và trổ mã đẹp, còn hơn tháng nữa sẽ được xuất bán. 

Tuy chưa biết giá gà Tết cụ thể sẽ thế nào nhưng ông Gần và các thành viên gia đình mong giá gà sẽ ổn định như giá năm ngoái là coi như vụ gà Tết thắng lợi.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 7.

Ông Phạm Văn Gần năm nào cũng nuôi gà Tết với quy mô lớn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 8.

Đàn gà trổ mã đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Thế, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho biết, thôn Đa Cốc có 30 – 40 hộ nuôi gà, với quy mô đàn từ 3000 con/lứa trở lên, trong đó số hộ nuôi gà Tết có khoảng 20 hộ. Nhìn chung các hộ nuôi gà Tết đều là những hộ chăn nuôi gà nhiều năm nên có kinh nghiệm.

Trong đó, hộ ông Phạm Văn Gần là hộ nuôi có quy mô lớn nhất thôn, mỗi lứa gà Tết ông nuôi từ 13.000 đến 15.000 con gà. 

Vì nhà ông Gần có hệ thống 4 chuồng gà với tổng diện tích 2000 m2, trong đó có 3 dãy chuồng nuôi quy mô 4.000 – 5.000 con/lứa, 1 chuồng nuôi 3000 con/lứa, cộng với diện tích rộng khoảng 4 ha nên có điều kiện diện tích để nuôi chăn thả nhiều. Mỗi năm ông Gần nuôi 3 lứa gà với quỹ mô từ 13.000 – 15.000 con/lứa.

Ông Thế cho biết thêm, là một hộ có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, do nuôi quy mô lớn, lại có tiềm lực kinh tế nên ông Gần lấy trực tiếp thức ăn chăn nuôi từ công ty nên việc chăn nuôi của ông so với các hộ khác cũng đỡ hơn. 

Như lứa gà đầu năm nay, trong khi các hộ bị lỗ thì ông Gần cũng hoà vốn, chỉ không có công và không có lãi, chứ không bị lỗ.

Ông nông dân ở Hải Dương có bí quyết "đúc" gà Tết đẹp như tranh vẽ, vạn con như một, ai nhìn cũng mê - Ảnh 9.

Ông Gần chế dụng cụ cho ăn tự động, thuận lợi cho việc chăn nuôi và công lao động. Ảnh: Nguyễn Việt.

Còn lứa gà giữa năm, do giá gà cao nên người chăn nuôi gà có lãi bù cho lứa đầu năm. Riêng lứa gà giữa năm, do chăn nuôi quy mô hơn vạn con nên ông Gần cũng lãi được mấy trăm triệu đồng.

"Nếu giá gà Tết năm nay có mức giá ổn định 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg thì vụ gà Tết của ông Gần cũng như các hộ khác sẽ là vụ gà Tết thắng lợi", ông Thế cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem