Những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em

Anh Vũ Thứ sáu, ngày 22/07/2022 15:00 PM (GMT+7)
Khi nạn bạo hành trẻ em được đưa lên phim thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Cùng điểm lại những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em khiến người xem phải suy ngẫm.
Bình luận 0

Những bộ phim đề cập đến nạn bạo hành trẻ em khiến khán giả không khỏi trăn trở, suy ngẫm vì nhiều tình tiết trong phim được lấy từ những vụ án có thật để đưa lên màn ảnh nhỏ.

Phim The Act (2019)

Những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em - Ảnh 1.

Phim The Act (2019). Ảnh: Cinema Hall

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật gây sốc nói về cô bé Gypsy Rose sinh ra đã rất khỏe mạnh nhưng vì có một người mẹ hám tiền, bà ta đã bịa đặt và bắt ép Gypsy sống cuộc sống như một người khuyết tật. Bế tắc và cùng quẫn, Gypsy nghe lời bạn trai và tìm cách ám sát mẹ mình.

The Act thực sự khiến khán giả quá rùng mình vì diễn xuất tuyệt vời của Joey King. Phim được chấm 90/100 điểm trên trang Rotten Tomatoes. Để hoàn thành bộ phim này, Joey King đã xem phim tài liệu về vụ án có thật trên dưới 15 lần, cũng như hy sinh vẻ ngoài trẻ trung và quyến rũ, để chấp nhận cạo trọc đầu và giảm cân hết mức có thể.

Ngoài ra, cô cũng gửi thông điệp tới nhân vật mình thủ vai ngoài đời: "Thực tế là cô ấy vẫn còn ở trong tù, điều đó làm tôi đau lòng. Tôi nghĩ rằng cô ấy xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn bây giờ. Cô ấy xứng đáng được tự do và xứng đáng được trị liệu, không phải đứng sau song sắt".

Precious (2009)

Những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em - Ảnh 2.

Hình ảnh trong phim Precious (2009). Ảnh: CP

Bộ phim xoay quanh cô gái mang tên Precious. Cô bị cha ruột lạm dụng và bạo hành. Chưa kể vì ngoại hình to béo mà cô còn bị bắt nạt và không một ai cảm thông. Tưởng chừng sẽ để lại nỗi ám ảnh không thể xóa nhoà nhưng Precious đã vươn lên và thay đổi đời mình. Cái cách mà cô gái đó vực dậy từ hố sâu thật sự truyền cảm hứng và đây là một phim thật sự đáng xem.

Trước khi gây tiếng vang lớn với 2 giải Oscar, bộ phim với kinh phí chỉ vỏn vẹn 10 triệu USD này công chiếu lần đầu tiên tại LHP độc lập Sundance, sau đó đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng trong các LHP và các giải điện ảnh "tiền Oscar" như: Giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Toronto 2009, giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất của Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc gia Mỹ và Giải thưởng điện ảnh Anh (BAFTA).

Báo The New York Times đánh giá phim 4/4 sao. Còn báo Entertainment Weekly bình luận: "Precious là bộ phim khiến bạn phải suy nghĩ. Đó là sự trải nghiệm thật sự xúc động, vì cuối phim bạn cảm thấy mình vừa chứng kiến một linh hồn ra đời".

An American Crime (2006)

Những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em - Ảnh 3.

Một cảnh trong phim An American Crime (2006). Ảnh: Mubi

Bộ phim với sự tham gia của Catherine Keener cùng Ellen Page, mô tả vụ tra tấn dã man có thật, nạn nhân là Sylvia Likens – cô bé chết dưới tay của mụ đàn bà quái ác Gertrude Baniszewski.

Thời điểm đó đó, Baniszewski có 7 đứa con, bà ta gầy gò và nghiện thuốc lá nặng. Bà ta cũng túng quẫn, nên với số tiền 20 USD/tuần của bố mẹ Sylvia nhờ trông nom cô bé là khoản lợi ích quan trọng.

Bộ phim mô tả nhiều tình tiết gây sốc, trong đó có những cảnh Sylvia bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Các con cái của Baniszewski còn lôi kéo thêm bạn xấu ở trường, trẻ hư hàng xóm về nhà bắt nạt Sylvia. Chúng biến cô bé thành bao cát, luyện tập judo. Không ít lần, lũ trẻ hư còn lột trần Sylvia, dí đầu thuốc lá đang cháy lên da thịt, tấn công bạo lực vào chỗ kín, làm nhục cô bé công khai…

Ở ngoài đời, Baniszewski bị kết tội giết người cấp 1, phạt tù chung thân. Chỉ sau 20 năm "bóc lịch", bà ta được ân xá, trả lại tự do, bất chấp công chúng Indiana phản đối dữ dội.

An American Crime được chấm 7,2/10 trên trang iMDB. Phim cũng được đề cử Emmy, Quả cầu Vàng về các giải thưởng diễn xuất.

This Boy's Life (1993)

Những bộ phim lên án mạnh mẽ nạn bạo hành trẻ em - Ảnh 4.

This Boy's Life (1993). Ảnh: Google Play

Bộ phim khắc họa mối quan hệ giữa cậu bé nổi loạn Toby và người cha dượng độc ác Dwight. Mặc dù muốn dạy dỗ Toby trở thành người tốt hơn nhưng phương pháp của Dwight lại là bạo hành nặng nề thể xác cậu bé. Câu chuyện được xây dựng theo cuốn hồi ký cùng tên của nhà văn Tobias Wolff, lấy bối cảnh những năm 1950.

Bộ phim nhận được 75% điểm "tươi" từ 36 nhà phê bình trên Rotten Tomatoes. Diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio được đánh giá là xuất sắc và gây ấn tượng mạnh. Người dùng trang này cũng cho ý kiến tổng quát rằng: "Một bộ phim đáng sợ và gây ấn tượng mạnh tới người xem, sẵn sàng cho bạn những khoảnh khắc không thể ngờ tới". Trên trang đánh giá phim Metacritic, nơi mà những bộ phim được đánh giá khá "chuẩn mực", bộ phim đạt điểm 60/100.

Bên cạnh đó khán giả trang iMDB cũng khen ngợi diễn xuất của Robert DeNiro: "DeNiro với tài năng và giọng nói tuyệt vời của mình đã nhập vai hoàn hảo vào vai người cha dượng Dwight Hansen, một người đàn ông có mặc cảm kinh khủng, người đã trút bỏ điều đó trên con riêng của mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem