Những ca sĩ "nhạc đỏ" lừng danh nhất Việt Nam

Thứ hai, ngày 14/12/2015 09:03 AM (GMT+7)
Gần đây xảy ra sự việc “Ông hoàng nhạc đỏ” trên một poster, dù ngoài ý muốn của Trọng Tấn. Tuy nhiên, sự phản ứng của dư luận cho chúng ta thấy rằng trong quá khứ có những giọng ca nhạc đỏ lừng danh mà ca sĩ hậu bối cần có những kính trọng thật sự…
Bình luận 0

Nhạc đỏ ra đời chủ yếu từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và chủ yếu do các nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ thể hiện là ở miền Bắc. Do đặc điểm của việc hình thành các dòng nhạc, nhạc đỏ được sáng tác hầu hết mang tính thính phòng và một số tác phẩm được đánh giá cao được đưa vào chương trình giảng dạy của bộ môn thanh nhạc ở các trường nhạc.

Ca sĩ “nhạc đỏ” qua các thời kỳ

Có thể nói, trước năm 1975 ở miền Bắc không có “khái niệm” nhạc đỏ, bởi đời sống ca hát của xã hội thời đó ngoài những bài hát dân ca, cổ truyền, những bài hát còn lại toàn là nhạc đỏ. Đời sống ca hát không có chỗ cho những bài hát “lãng mạn”. Những bài hát như Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Anh đến thăm em một chiều mưa (Tô Vũ)… là không được phép lưu hành.

Trải qua nhiều thế hệ, nếu kể ca sĩ nhạc đỏ ở miền Bắc thì cả một danh sách dài dằng dặc, nhưng những người được đông đảo khán giả biết đến thì có thể kể: NSND Quốc Hương (sinh năm 1915), NSƯT Trần Thụ (1928), NSND Trần Chất (1929), NSND Trần Khánh (1931), NSND Quý Dương (1932), NSƯT Quang Hưng (1934), NSND Trần Hiếu (1936), NSƯT Kiều Hưng (1937), NSND Trung Kiên (1939), NSND Doãn Tần (1947), NSND Quang Thọ (1948), NSƯT Dương Minh Đức (1949), NSƯT Tiến Thành (1950), NSƯT Trung Đức (1952)…

img

NSND Trần Hiếu một trong những ca sĩ nhạc đỏ “lừng danh” nhất

Nữ ca sĩ thì có: NSND Thương Huyền (1923), NSƯT Tân Nhân (1931), NSND Tường Vy (1938), NSND Thanh Huyền (1942), NSƯT Bích Liên (1944), NSƯT Vũ Dậu (1945), NSND Thanh Hoa (1950), NSND Lê Dung (1951), NSND Thu Hiền (1952)…

Có thể nói đó là những ca sĩ nhạc đỏ lừng danh qua các thời kỳ. Điểm chung của các ca sĩ nói trên là hầu hết họ được đào tạo bài bản, có người tu nghiệp hoặc tốt nghiệp ở các nhạc viện nước ngoài, có quá trình phục vụ và hầu hết được nhà nước phong tặng NSƯT hoặc NSND.

Ở những giai đoạn này, không có sự “độc quyền” ca khúc như hiện nay nên rất nhiều người cùng hát một bài hát. Và tiếng hát của họ đến với đông đảo công chúng chủ yếu qua hệ thống phát nhạc của các đài phát thanh.

Thế hệ gần đây nhất, ở miền Bắc có các gương mặt nổi trội: Việt Hoàn (1967), Đăng Dương (1974), Trọng Tấn (1976), Anh Thơ (1976), Lan Anh (1976). Ngoài ra Vũ Thắng Lợi là một ca sĩ hát nhạc đỏ với phong cách mới, được giới chuyên môn chú ý.

Các ca sĩ nhạc đỏ ở miền Nam thì ít hơn, trước đó có NSƯT Quang Lý (1951), NSƯT Tuấn Phong (1952). Hiện nay có NSƯT Tạ Minh Tâm (1960), NSƯT Thanh Thúy (1977), ngoài ra còn có Huỳnh Lợi, Anh Bằng, Hạ Trâm.

Những “ca sĩ lừng danh” ấn tượng

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, hát nhạc đỏ có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, tuy nhiên ông ấn tượng nhất là với “bộ tứ” gồm các nghệ sĩ: Quốc Hương, Trần Khánh, Quý Dương và Trần Hiếu.

NSND Quốc Hương, tốt nghiệp Nhạc viện Budapest (Hungary), nổi tiếng với các ca khúc Tình ca (Hoàng Việt), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí - Nguyễn Bính), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương)…

NSND Trần Khánh, tên tuổi ông gắn liền với các ca khúc: Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Bình Trị Thiên khói lửa (Lê Thương), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vinh - Hải Như)…

NSND Quý Dương, giảng viên thanh nhạc của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là một trong những nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam, nổi tiếng qua những bài hát Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Bài ca Hồ Chí Minh (Văn Cao), Tình em, Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du)…

NSND Trần Hiếu tốt nghiệp Nhạc viện Sophia (Bungary) tên tuổi gắn liền với những bài hát như Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Tôi là Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh)…

Với các nữ nghệ sĩ hát nhạc đỏ thì ấn tượng nhất đối với nhạc sĩ Nguyễn Cường là: Thương Huyền, Lê Dung, Thanh Hoa, Tường Vy.

NSND Thương Huyền (1923), dù bà là một giọng hát thiên về dân ca, nhưng bà cũng hát “nhạc đỏ” từ rất sớm. Trước kháng chiến chống Pháp bà đã hát Côn Đảo, Sơn La (Đỗ Nhuận), Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước). Sau đó bà nổi tiếng với các bài hát: Người Hà nội (Nguyễn Đình Thi), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp)…

NSND Tường Vy (1938) nổi tiếng với các bài hát Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Molovklavi), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh)…

NSND Thanh Hoa (1950) nổi tiếng với các bài hát Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông Quan họ (Phan Lạc Hoa) Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn), Bác Hồ một tình yêu bao la (Thuận Yến),  Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn)…

NSND Lê Dung (1951) tốt nghiệp cao học Nhạc viện Tchaikovsky, mảng chính của bà là nhạc kịch, thính phòng, một số bài nhạc đỏ được bà thể hiện thành công như: Xa khơi, Bài ca hy vọng, Anh ở đầu sông em cuối sông…

Để nhạc đỏ sống với thị trường âm nhạc

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: “Nghe và cảm nhận nhạc đỏ hiện nay và trước đây khác nhau. Hiện nay nghe như một hoài niệm, còn ngày xưa người nghe là đang sống với thời cuộc. Hơn nữa, xử lý âm nhạc ngày nay cũng có những cái khác xưa. Vì vậy, việc so sánh ca sĩ của các thời kỳ là không nên.

Nhưng khi âm nhạc thị trường với việc xuất hiện nhiều dòng nhạc và nhạc đỏ bị lấn át. Các giọng ca nhạc đỏ như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy… được xem là của hiếm.

Họ chính là thế hệ nối tiếp những Quý Dương, Trần Hiếu… ngày xưa để làm dòng nhạc này sống mãi trong lòng công chúng. Qua những gì đã thể hiện, họ xứng đáng nhận được tình cảm của đông đảo người hâm mộ”.

Hải Long (Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem