Những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và câu chuyện sinh động về ngoại giao vaccine
Mỹ Hằng
Thứ năm, ngày 03/02/2022 09:00 AM (GMT+7)
Trong một năm mà cuộc đua vaccine Covid-19 diễn ra quyết liệt trên thế giới, nơi nào cũng khát vaccine, thì hơn 150 triệu liều vaccine đã được chuyển đến Việt Nam và được tiêm chủng kịp thời cho người dân là một thành tựu quan trọng của “ngoại giao vaccine” Việt Nam.
Trong chuyến đi New York, Mỹ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một người bạn đặc biệt của nhân dân Việt Nam - Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Pfizer trong chuyến công du hồi tháng 9/2021. Ảnh TTXVN
Trong câu chuyện, Chủ tịch nước đánh giá cao việc cá nhân Thượng nghị sĩ Leahy và Quốc hội Mỹ đã tích cực vận động chính quyền Mỹ hỗ trợ vaccine và trang thiết bị y tế cho Việt Nam.
Trước đó, ít người biết rằng, vị Thượng nghị sĩ kỳ cựu rất có ảnh hưởng trên chính trường Mỹ đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị hỗ trợ Việt Nam, tạo nên một chất xúc tác quan trọng cho chiến dịch ngoại giao vaccine của Việt Nam ở Mỹ.
Bộ Y tế tiếp nhận lô 403.000 liều vaccine do Chính phủ Australia tặng Việt Nam, tháng 8/2021. Ảnh: VNANET
Trong chuyến công du đó của Chủ tịch nước, vận động hỗ trợ vaccine và phòng chống dịch là chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của đoàn Việt Nam ở các cấp, các kênh.
Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước đã tiếp xúc song phương với nhiều lãnh đạo các nước, và Việt Nam có được ngay các cam kết viện trợ vaccine từ Hàn Quốc, Hungary.
Chủ tịch nước còn tới thăm Công ty Pfizer và nhận được cam kết giao vaccine kịp thời cho Việt Nam trong năm 2021.
"Năm qua, "chiến lược vaccine và "ngoại giao vaccine" đã được triển khai rất bài bản và quyết liệt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận các nguồn vaccine" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Sáng 26/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chứng kiến trao lô vaccine của Mỹ viện trợ Việt Nam. Ảnh: Reuters
"Nỗ lực tìm được nguồn vaccine là rất quý, điều đó cho thấy sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm đến an toàn sức khỏe của người dân".
Nhà báo người Mỹ gốc Việt
Etcetera Trường Nguyễn
Những chuyến thăm cấp cao khác của lãnh đạo Việt Nam trong năm qua cũng là những câu chuyện sinh động về ngoại giao vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Anh, Pháp, Nhật Bản, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thăm chính thức Thụy Sĩ và tiếp xúc với lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới , Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng chứng kiến những cam kết viện trợ vaccine, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine…
Câu chuyện vaccine còn được đề cập trong các điện đàm của lãnh đạo với những đối tác quan trọng khác như Australia, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… và đều đem lại những kết quả rất thực chất.
"Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà không đề cập việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tiết lộ.
Đối tác và lòng tin
Ngoài cấp cao, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã ráo riết vào cuộc. Guồng quay vaccine của toàn hệ thống đã mang lại những con số ấn tượng:
Đến 14/12, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó từ ngân sách nhà nước mua hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều.
Việc vận động vaccine từ tất cả các ngành các cấp đã có tác động rất lớn để có được vaccine trong một thời gian ngắn, bù lại việc chậm có vaccine ban đầu, và để vaccine được giao kịp tiến độ, đến tháng 12/2021, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh thứ 3 thế giới.
Lô vaccine Abdala từ Cuba về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 25/9/2021. Ảnh: H.N.M
Sự chia sẻ vaccine đó không chỉ phản ánh quan hệ tốt đẹp, của Việt Nam với các quốc gia, mà còn cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam. "Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, điều đó đã tạo hình ảnh rất lớn cho Việt Nam, và cũng vì Việt Nam đã tạo vị thế và uy tín vững chắc trên trường thế giới", TS Phạm Cường, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận xét.
Nhân văn và rộng mở
Trong hàng loạt lý do cộng hưởng tạo nên thành công của ngoại giao vaccine, không thể không nhắc tới tinh thần nhân văn của văn hóa ngoại giao Việt Nam như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đề cập trong một bài viết nhân Hội nghị Ngoại giao 31.
Khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm chính thức Việt Nam tháng 8/2021, bà tuyên bố Mỹ tặng 1 triệu liều vaccine cho Việt Nam và chúng sẽ đến Việt Nam ngay trong 24 giờ. Thực tế đã diễn ra như thế.
Và ngay tại Hà Nội, bà nhắc lại: "Chúng tôi cảm ơn Việt Nam trong giai đoạn đầu của đại dịch, đã gửi thiết bị bảo hộ cá nhân và các vật tư khác" - bà Harris phát biểu. "Người dân Mỹ rất cảm kích Việt Nam đã giúp đỡ khi chúng tôi cần hỗ trợ sớm trong đại dịch".
Câu chuyện bà Phó Tổng thống Mỹ nhắc đến chính là việc, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, lúc các nước rất thiếu khẩu trang, thiết bị bảo hộ, thiết bị y tế, Việt Nam - lúc đó vẫn kiềm chế được dịch - đã gửi tặng những thùng khẩu trang và vật tư y tế, viện trợ tài chính cho 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ.
Đó là một sự giúp đỡ chân thành, không vụ lợi, thể hiện truyền thống nhân văn, tính cách cởi mở của ngoại giao Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.