Ngày 25.5, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Luận và 14 thuyền viên cùng tàu QNg9084TS trở về huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tàu dính đầy vết đạn, còn hai ngư phủ bị thương. Cùng ngày, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, ngư dân Phạm Hà ở huyện Bình Châu, Quảng Ngãi báo tin tàu QNg 90016TS của ông bị tàu kiểm ngư Trung Quốc số hiệu 309 khống chế và tịch thu hàng chục tấn cá trị giá trên 200 triệu đồng.
Trước đây, ngư dân đạp sóng ra khơi chỉ vật lộn với sự hung dữ của biển cả, nhưng trong thời gian vừa qua, phải đối mặt với nạn tàu lạ đâm, nạn bắt giữ tàu đòi tiền chuộc. Nhiều chủ tàu tán gia bại sản vì gặp phải những vụ bắt giữ vô lý này.
Sau nhiều lần đi biển không an toàn, có người nản lòng muốn tìm kế sinh nhai khác. Nhưng đa số ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn sống chết với nghề của mình, với biển của quê hương mình.
1.000 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi vẫn hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa - Việt Nam. Hàng ngàn con người đang ngày đêm xuôi ngược trên khắp vùng biển và đảo để khai thác hải sản, những con tàu cá và hình dáng ngư dân như những “con dấu” sống đóng trên mặt biển để khẳng định một cách hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Cũng từ những vụ tàu lạ đâm và bắt giữ tàu thuyền, bắt giam ngư phủ, người dân đảo Lý Sơn đi biển với thái độ khác, nhận thức khác. Những con người mộc mạc, chất phác có tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, không biết đến lý luận, nay phát ngôn rằng đi đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa là vì khẳng định chủ quyền của quốc gia.
Ngư dân Nguyễn Xuân Canh ở huyện đảo Lý Sơn nói: “Hoàng Sa là vùng lãnh hải của Việt Nam. Quê hương Lý Sơn từng có ông bà tổ tiên là đội binh phu ra Hoàng Sa cắm mốc bảo vệ chủ quyền, thì nay không có lý do gì chúng tôi lại không ra Hoàng Sa khai thác hải sản. Đi ra Hoàng Sa là chuyện bình thường, không đi mới là chuyện lạ”.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết, hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa. Ngư dân tại huyện đảo này kiên cường bám biển, cho dù biển hôm nay lành ít dữ nhiều.
Ngư dân ra khơi bất chấp khó khăn, nguy hiểm vì có niềm tin vào chính nghĩa. Chính nghĩa đó được xác nhận bằng những chứng cứ lịch sử, pháp luật quốc tế. Ngư dân có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và quyết tâm thực hiện nghĩa vụ chứng minh chủ quyền của quốc gia bằng chính hoạt động của mình trên lãnh hải của Tổ quốc. Để cho ngư dân hoàn thành được nghĩa vụ công dân trên biển, cần phải có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ đất liền.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.