Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng quân sự ở Phú Lâm: Bước đệm nguy hiểm

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ sáu, ngày 10/10/2014 06:25 AM (GMT+7)
"Việc làm sai trái của Trung Quốc mà chúng ta đang đề cập đến cho thấy Trung Quốc đang thêm những “bước đi sâu” vào việc khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã đóng chiếm trái phép", nhà nghiên cứu Dương Danh Dy - Cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu - nhận định khi trao đổi với NTNN ngày 9.10.
Bình luận 0

Tối 7.10, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã ngang ngược xây xong đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, đường băng này dài 2.000m, dành cho các máy bay quân sự. Đảo Phú Lâm tuy là một đảo nhỏ, chỉ có diện tích 2km2 nhưng đã trở thành như một tiền đồn biểu tượng cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước diễn biến mới này, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã có những bình luận và phân tích về sự nguy hiểm ẩn sau hành động của Trung Quốc.

Là nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông bình luận như thế nào về hành động Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm?

- Việc làm sai trái của Trung Quốc mà chúng ta đang đề cập đến cho thấy Trung Quốc đang thêm những “bước đi sâu” vào việc khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép. Đường băng mới này sẽ là tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc để phục vụ cho các hoạt động quân sự.

Quan điểm
img
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy • Cựu Tổng Lãnh sự quán VN tại Quảng Châu
  Việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, càng thể hiện rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông, đe dọa an ninh khu vực...  
Như chúng ta đã biết về sức mạnh của hải quân Trung Quốc, nếu không có những đường băng quân sự như thế này thì máy bay của Trung Quốc khó lòng hoạt động được trên Biển Đông, bởi chỉ cần bay từ lãnh thổ của Trung Quốc ra đến Phú Lâm là đã hết nhiên liệu nên rất cần những sân bay như thế.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang rất thiều dầu. Mỗi năm, Trung Quốc phải nhập hơn 200 triệu tấn. Giai đoạn từ năm 1985 đến 1995, Trung Quốc đã thăm dò hầu hết Biển Đông, nắm được những vị trí có mỏ dầu, mỏ sắt… Vì những lẽ đó, hành động Trung Quốc ngang nhiên xây đường băng trên đảo Phú Lâm càng lộ rõ âm mưu Trung Quốc muốn chiếm bá quyền trên Biển Đông.

Thưa ông, liệu Trung Quốc có sử dụng đường băng trên đảo Phú Lâm làm trạm trung chuyển, để tiến hành các hoạt động quân sự đe dọa đến các hòn đảo khác không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đó có Trường Sa của Việt Nam?

- Theo tôi biết, đường băng này không phải là đường băng duy nhất mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, thậm chí có những đảo rất lớn. Quy mô của đường băng này chưa phải là lớn, nó đủ sức chứa những máy bay cỡ nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là một căn cứ quân sự để triển khai các hoạt động hải quân và ảnh hưởng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một nguy cơ cận kề.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, đường băng trên đảo Phú Lâm cũng là bước đệm để Trung Quốc tiến tới thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Đông, ông có đồng tình với nhận xét này không?

- Tôi cho rằng, Trung Quốc làm bất cứ cái gì cũng có tính toán kỹ. Đó cũng là một trong những bước đi rất nguy hiểm để dần tiến tới việc thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” ở Biển Đông.

Và chắc chắn, những hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ cản trở việc tiến tới thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?

- Đúng vậy. COC là một văn bản pháp lý, ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên có những hành động phi pháp, đi ngược lại với tinh thần này, một phần cũng là để kéo dài thời gian đàm phán. Tôi cho rằng, để tiến tới COC, sẽ còn phải mất thêm một thời gian dài nữa.

Xin cảm ơn ông!

Không thể thay đổi thực tế về chủ quyền của Việt Nam

Ngày 9.10, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước hành động của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: 

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10.2011, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”.
Thúy Đăng


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem