Viện cớ cấm biển để rào biển
Thuyền trưởng tàu cá ĐNa- 90449, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - Hồ Ngọc Thạnh đã cập bến hai ngày nhưng vẫn chưa có giờ nghỉ tay. Sau khi cân, bán cá, chia tiền cho bạn tàu để họ về quê, anh lại quay sang tu bổ con tàu, làm máy... để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp vào sau ngày rằm tháng Năm (âm lịch).
|
Ngày về đầy ắp cá, rộn ràng cảng biển. |
Chiều trên bến Xuân Hà, quán "nhậu thuyền trưởng" lại đông đúc và rộn ràng như sau những trận bão lớn. Nhưng, những câu chuyện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn bây giờ lại là tình hình tranh chấp ngư trường, sự đẩy đuổi của các loại tàu Trung Quốc đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Người về từ "vùng biển nóng" - Hồ Ngọc Thạnh còn ấm ức: "Kể từ khi ra khơi, gần như ngày nào, ở toạ độ nào chúng tôi cũng "đụng" phải tàu của Trung Quốc. Họ rải khắp các loại tàu ngư chính, hải quân và cả tàu sắt giả dạng ngư dân để tuần tra ngược xuôi, truy đuổi tàu cá của ngư dân mình.
Với ngư dân bắc miền Trung, từ Đà Nẵng ra Quảng Bình, toạ độ 17,30 vĩ độ Bắc, 109,20 kinh độ Đông giống như cửa ngõ chính để ra khơi khai thác. Đây cũng chính là lối ra hẹp của hàng ngàn tàu thuyền vào vụ mùa đánh bắt đầu hè hàng năm (vì lệch xuống vài độ là gặp quần đảo Hoàng Sa).
Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc đã tăng cường dày kín các loại tàu vũ trang, tàu hành chính của họ để làm hàng rào, cản trở việc ra khơi trên ngư trường truyền thống của chúng tôi. Bởi vậy, bây giờ muốn ra khơi đánh bắt, mỗi con tàu cá ít nhất phải 2 lần quẩn quanh né tránh, tắt đèn chạy lén vào ban đêm mới ra được khơi".
Ông Thạnh cho biết, Trung Quốc ban bố lệnh cấm biển đối với vùng lộng (ven bờ) nhưng họ lại dàn tàu bảo vệ ngư trường ra tận vùng nước sâu hàng trăm mét và xa vùng lãnh hải của họ cả trăm hải lý. Như vậy, lệnh cấm biển chỉ là cái cớ để họ gây khó dễ với ngư dân mình mà thôi. Nếu Trung Quốc cứ duy trì việc "rào" cửa biển như thế này thì các tàu khai thác xa bờ của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Ra khơi không chỉ vì cá
|
Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh |
Kết thúc chuyến ra khơi 11 ngày, tàu ông Thạnh đánh bắt được hơn 9 tấn cá (tương đương 200 triệu đồng), nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi bạn tàu được chia... 4 triệu đồng. Dẫu vậy, đây đã là mức thu nhập khá lớn trong chuyến đi ngắn ngày. Trong khi đó, tàu ĐNa 90305 của thuyền trưởng Lê Xuân Dũng, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê đánh bắt được hơn 12 tấn cá nhưng lại lỗ vốn. Bạn đi biển lại phải ứng nợ tiền để về quê.
Là người về đầy cá trong khoang tàu hơn, nhưng hôm nay, ông Dũng là khách mời nhậu của tàu ông Thạnh. Ông Dũng kể, ngày 5.6, mới vừa ra cách bờ 180 hải lý, tôi gặp ngay tàu sắt của Trung Quốc. Lúc ấy khoảng 2 giờ chiều, chiếc tàu không có số hiệu, màu trắng - xanh to gấp 3-4 lần tàu mình lù lù xuất hiện từ hướng nam ra bắc.
Mình không đối đầu với họ, nhưng kiên quyết không bỏ biển, dù mỗi chuyến đi đôi khi chỉ đủ bù chi phí.
Thuyền trưởng Hồ Ngọc ThạnhKhi phát hiện tàu tôi đang vươn ra khơi, nó liền đổi hướng, truy đuổi mình phải chạy vô lộng. Chúng tôi sợ bị cướp sạch nhiên liệu, lương thực nên vội tăng tốc mà lao ngược vào phía bờ. Đợi đến đêm tối, chúng tôi mới tắt đèn, dò dẫm mà ra lại khơi. Tàu tôi 350CV, chuyên đánh bắt xa bờ, mình không ra khơi thì chỉ còn nước nằm bờ hoặc bán tàu. Một chuyến đi ngắn ngày như vậy, chi phí cho mỗi chuyến tàu chừng 80 triệu đồng.
Mỗi ngày chạy trung bình 100 lít dầu, nhưng nếu gặp sự truy đuổi của tàu Trung Quốc, sự tiêu tốn nhiên liệu tăng lên 200 lít (chỉ tính tiêu tốn đoạn đường chạy trốn). Đó là chưa kể phải mất thời gian ít nhất 1 ngày. Chuyến đi vừa rồi của tàu tôi đã bị kéo dài thêm 5 ngày và tốn thêm hơn 60 triệu tiền dầu. Vì vậy dù ngày về tàu đầy cá mà vẫn không đủ bù chi phí.
Dẫu vậy, hàng ngày trên bến sông Hàn, cửa vịnh Đà Nẵng, từng đoàn tàu cá của ngư dân miền Trung vẫn ngược sóng ra khơi. Vẫn biết, sự can trường của họ có phần lớn lý do vì mưu sinh, vì những món nợ chồng chất. Ra khơi, đến vùng biển nóng thời điểm này là đối đầu với nhiều hiểm nguy, trước mắt là thua lỗ chi phí nhưng quyết tâm ra khơi của họ cũng có nhiều lý do khác.
Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh tâm sự kiểu "ăn sóng nói gió": "Nhiều người tưởng ngư dân chúng tôi là vô tư, chỉ biết đánh cá và uống rượu, không quan tâm chính sự. Điều đó là không đúng. Mình không đối đầu với họ, nhưng kiên quyết không bỏ biển, dù mỗi chuyến đi đôi khi chỉ đủ bù chi phí. Họ đuổi mình vào, đêm tối lại ra khơi, không bao giờ Trung Quốc cấm được chúng tôi”.
(Còn nữa)
Quỳnh Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.