Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài 1): Thu tiền tỷ nhờ nuôi tôm thẻ, trồng cây ăn trái

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 13/05/2021 21:35 PM (GMT+7)
Tại Tiền Hải - huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, trong những năm qua nhờ triển khai hiệu quả chính sách chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) và trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình đã có cơ hội vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

LTS: Ðồng bằng sông Hồng vốn là vùng nông nghiệp trù phú, nhưng nhiều năm trở lại đây, xu hướng nông dân bỏ ruộng ngày càng phổ biến tại các làng quê. Nhất là ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả, nông dân để hoang cho cỏ mọc rậm rì. Trong khi đó, việc tích tụ ruộng đất để hướng đến sản xuất lớn lại vấp phải quá nhiều khó khăn, rào cản. Thực tế này đã đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm trên chính thửa ruộng của mình. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới đã ra đời, giúp người nông dân sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.

Tại Tiền Hải - huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, trong những năm qua nhờ triển khai hiệu quả chính sách chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) và trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình đã có cơ hội vươn lên làm giàu.

Hết cảnh "ngao cười, người khóc"

Những năm gần đây, xã Nam Cường được xem là điển hình trong việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Kim Kinh - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường vẫn nhớ như in về "phong trào" chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS của người dân xã Nam Cường trong giai đoạn 2002 - 2006.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả - Ảnh 1.

Từ năm 2003, gia đình ông Hoàng Văn Thùy (ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận mỗi vụ hiện trên 200 triệu đồng. Ảnh: M.N

Năm 2002 trở về trước, với tên là HTX nông nghiệp Nam Cường, đơn vị có tới hơn 90% xã viên đều trồng lúa. Thời điểm đó, bà Kinh đang là Phó Chủ nhiệm HTX. Nhưng còng lưng trồng lúa trên đồng ruộng cũng không giúp các xã viên có đời sống khấm khá, thậm chí những năm thời tiết thất thường, bà con còn mất trắng. 

Đến năm 2006, HTX được đổi tên thành HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cường và đến 2010, một lần nữa đổi tên thành HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường. Quá trình đổi tên cũng cho thấy, HTX đã có những thay đổi rõ rệt về lĩnh vực hoạt động, tầm nhìn…

Năm 2021, huyện Tiền Hải tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 20/1/2020 của Tỉnh ủy Thái Bình về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu đến 2025 sẽ chuyển đổi được 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả".

Nhớ lại những năm khó khăn của thời kỳ này, bà Kinh cho biết, không chỉ người dân xã Nam Cường mà hầu hết các xã ven biển của huyện Tiền Hải đều nở rộ "phong trào" chuyển đổi đất trồng lúa sang NTTS, trong đó chủ yếu tập trung vào nuôi ngao và tôm thẻ chân trắng. 

Tuy nhiên để chuyển đổi từ đất lúa sang NTTS, thời điểm này người dân còn gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Mặt khác, đồng ruộng thì manh mún, xen kẹt nên để chuyển thành vùng sản xuất chuyên canh lớn, tập trung không phải chuyện dễ dàng gì.

Để giải quyết bài toán này, UBND xã Nam Cường và HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cường thời bấy giờ đã phải tổ chức họp dân không biết bao nhiêu lần.

Sau chừng ấy thời gian, với 3 lần đổi tên, đến nay HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã có 640 thành viên, với 120ha nuôi trồng thủy sản… Tổng thu nhập bình quân mỗi năm đạt 39 tỷ đồng.

"NTTS đã mang lại thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa. Trong khi đó, trồng lúa được mùa thì năng suất chỉ đạt 1,4 - 1,7 tạ/sào. Chẳng bõ bèn gì nên từ lâu người dân đã không còn mặn mà với ruộng đồng" - bà Kinh bộc bạch.

Dọc con đê vào xã Nam Cường, chúng tôi thấy san sát những ao đầm nuôi thủy sản do người dân tích cực dồn điền đổi thửa, biến những ruộng lúa nghèo nàn trước đây thành hệ thống ao, đầm nuôi thủy sản công nghệ cao. Các ao, đầm được bê tông hóa xung quanh bờ, đáy lót bạt và trang bị đầy đủ hệ thống sục khí, lọc nước...

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả - Ảnh 3.

Nhờ mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở các xã ven biển của huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã có thu nhập tiền tỷ. Ảnh: M.N

Đến nay HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã có 640 thành viên, với 120ha nuôi trồng thủy sản… Tổng thu nhập bình quân mỗi năm đạt 39 tỷ đồng.

Cùng với đó, người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng và giá trị của các loại thủy sản không ngừng tăng. 

Cụ thể, thủy sản được các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thu mua, tôm sú có giá 310.000-350.000 đồng/kg, tôm thẻ có giá 130.000-140.000 đồng/kg, cua xanh có giá 350.000 đồng/kg, ngao giống có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg… 

Lợi nhuận bà con thu về đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Từ việc làm chủ công nghệ và kỹ thuật NTTS, đời sống, thu nhập của người dân xã Nam Cường từ đó cũng tăng lên, không còn cảnh "ngao cười, người khóc", ngư dân "đánh bạc" với ông trời.

Thu tiền tỷ từ NTTS

Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sen - thành viên HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường phấn khởi nói: "Nhờ mấy cái ao cá này, nhà tôi có của ăn của để, không khó khăn như thời trồng lúa. Hai vợ chồng bám "đảo" ngày đêm. Lãi nhất là nuôi được hai con học đại học, rồi mỗi năm cũng dư ra ít tiền, gửi tiết kiệm được 100-200 triệu đồng".

Còn ông Nguyễn Văn Thiều - thành viên HTX thì cho hay, con ngao giống là đối tượng nuôi tương đối phù hợp với đất đai địa phương, dễ nuôi, đầu ra - đầu vào ổn định. Đặc biệt, người dân không mất tiền đầu tư thức ăn bởi ngao nhỏ ăn tảo, sinh vật phù du trong nước.

"Chỉ cần giữ cho nước sạch, thay nước thường xuyên thì chỉ 3-4 tháng có thể đưa ra bãi nuôi thương phẩm. Trung bình mỗi ha nuôi ngao, bà con đầu tư 500 triệu tiền giống, thu về 1,2-1,5 tỷ đồng, trừ các chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng" - ông Thiều cho hay.

Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Hội ND huyện Tiền Hải cho biết, Nam Cường là một trong những xã điển hình về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Sau nhiều năm chuyển đổi, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân xã Nam Cường ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc.

Theo ông Việt, hiện nay, huyện Tiền Hải có khoảng 13.000ha trồng lúa, diện tích thường xuyên canh tác được trên 9.000ha. Còn lại là đất đai khó canh tác. Để chuyển đổi, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn về chính sách, ruộng nằm xen kẽ với khu dân cư dẫn đến khó khăn cho việc chuyển đổi. Mặt khác, hạ tầng về hệ thống thủy lợi, phòng chống lụt bão còn chưa được đầu tư đúng mức để người dân yên tâm khi chuyển đổi... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem