Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 4)
Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 4): Gỡ nút thắt, “đánh thức” đất đai
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 17/05/2021 12:19 PM (GMT+7)
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang mang lại tín hiệu đáng mừng. Trong đó, việc đề xuất, điều chỉnh quy hoạch đất lúa, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các cây khác, nuôi con khác... được coi là giải pháp đột phá trong tích tụ ruộng đất.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương đây vẫn là bài toán khó, và không phải mô hình nào sau chuyển đổi đất lúa cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vướng cơ chế, chính sách
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) thuê lại ruộng bị bỏ hoang do cấy lúa kém hiệu quả để làm kinh tế, đến nay gia đình chị Ngô Thị Thoa đã có một trang trại chăn nuôi cá, vịt cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Thoa cho biết, đây là vùng ruộng trũng, cấy lúa thường bị ngập nên năng suất không cao, giá trị kinh tế thấp, gặp năm thời tiết thất thường còn mất trắng. Khi thuê lại ruộng, gia đình chị đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để xây dựng mô hình trang trại. Hiện gia đình muốn mở rộng sản xuất, nhưng vướng mắc bởi quy định sử dụng đất lúa.
Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 19/2017 hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. So với Thông tư 19/2016, Thông tư 19 đã nới lỏng nhóm đối tượng chuyển đổi. Ngoài trồng cây hàng năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân được phép trồng thêm cây lâu năm. Tuy vậy, thông tư mới vẫn chưa có quy định cụ thể về vùng sản xuất, bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi...
Theo quy định mới ban hành, đối với việc chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản không được phép hạ thấp độ sâu của mặt bằng dưới 1,2m và phải phục hồi được nguyên trạng khi quay lại gieo cấy lúa.
Chị Thoa cho rằng yêu cầu này không sát thực tế, bởi điều kiện nuôi thủy sản khác hoàn toàn so với cấy lúa.
Bên cạnh đó, bà con chỉ được sử dụng tối đa 20% diện tích để hạ thấp mặt bằng nhưng lại không quy định rõ phạm vi nên không có căn cứ xác định diện tích nuôi thủy sản.
So với cấy lúa, mô hình nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn, song nếu những quy định về đất lúa còn ràng buộc như hiện nay thì việc chuyển đổi, mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Đình Toản (ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, năm 2011 anh thuê 12 mẫu ruộng để cải tạo nuôi cá. Tuy nhiên, anh cũng gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc bởi quy định sử dụng đất lúa như trường hợp của chị Thoa.
"Thực tế cho thấy nuôi cá cho thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa nên tôi muốn tiếp tục mở rộng quy mô. Tuy nhiên những ràng buộc về mặt pháp lý làm cho việc chuyển đổi đất trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Nông dân chúng tôi mỗi khi vướng cái gì đó về quy định, chính sách thì rất ngại. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng" - anh Toàn chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, không chỉ riêng Hà Nội, mà hầu hết các tỉnh, thành phố, hạ tầng nông nghiệp nông thôn chủ yếu tập trung cho sản xuất cây lúa.
Nếu không có quy định cụ thể về vùng sản xuất và bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi sẽ là khó khăn đối với các địa phương, bởi việc chuyển đổi cần gắn với hạ tầng kỹ thuật sản xuất.
Chính quyền cũng gặp "khó"
Tại tỉnh Nam Định, Sở NNPTNT tỉnh này cho biết, hàng năm các huyện, thành phố đều đề ra kế hoạch mục tiêu chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên đất 2 lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi.
Tuy nhiên kết quả chuyển đổi ở nhiều khu vực còn rất chậm, khó thực hiện do không phù hợp với điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng đất đai, khí hậu.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất (hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện sản xuất) tại một số vùng chuyển đổi tập trung chưa được quan tâm hỗ trợ đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Trong quá trình thực hiện, một số vùng quy hoạch, trước đây đã bị các hộ dân, doanh nghiệp tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 lúa mà không được phát hiện và xử lý kịp thời, gây nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nơi duy trì sản xuất cầm chừng gây lãng phí đất đai.
Ông Phạm Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đó là một số địa phương chưa thực sự mạnh dạn trong triển khai thực hiện. Không ít địa phương do sợ trách nhiệm với những vấn đề phát sinh trên đất chuyển đổi trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, còn một số trường hợp tự ý kiên cố hóa nhà tạm trên diện tích chuyển đổi đất trồng lúa, gây khó khăn cho công tác quản lý. Một bộ phận người dân chuyển đổi tự phát không đúng quy định quy hoạch. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn chậm; tư duy của một bộ phận cán bộ và nông dân chậm đổi mới, còn có tâm lý giữ đất…
Đối với chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Ninh Bình, theo ông Chung, do quy định "cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm" nên sau khi cải tạo, môi trường nuôi chưa phù hợp với một số đối tượng con nuôi thủy sản dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao.
"Cơ sở hạ tầng một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất khi chuyển đổi từ đất trồng lúa, trong khi muốn chuyển đổi, nông dân phải đầu tư rất nhiều như cải tạo đất, xây dựng một số hạ tầng cần thiết... Thêm vào đó, thủ tục chuyển đổi còn rườm rà nên nông dân e ngại tiếp cận, dẫn đến tình trạng một số hộ chuyển đổi tự phát, khó khăn cho công tác quản lý" - ông Chung cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.