Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 3): Đất hoang cỏ rậm rì bỗng thành ruộng "đẻ" trăm triệu

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 15/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ở nhiều vùng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc không thuận lợi nguồn nước sang các loại cây trồng hoặc mô hình sản xuất khác, đã xuất hiện những mô hình có thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Những ruộng lúa bị bỏ hoang ngày nào dần biến mất, thay vào đó là cánh đồng trù phú, "đẻ" ra trăm triệu…
Bình luận 0

Không đành lòng nhìn ruộng bỏ hoang

Vài năm trước, những tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình... từng "nóng" tình trạng nông dân bỏ ruộng với diện tích lên tới hàng nghìn ha. Ví dụ như tại tỉnh Nam Định, 3-4 năm trước đây, diện tích đất lúa 2 vụ bị bỏ hoang, không canh tác lên tới hơn 2.063ha. 

Có thời điểm, 110 xã, thị trấn ở 9 huyện, thành phố của tỉnh này đều có tình trạng nông dân bỏ ruộng. Nếu tính trên quy mô cả vùng đồng bằng sông Hồng, của cả nước, con số này sẽ rất lớn.

Ông Trần Văn Thái (ở xã Nghĩa Hải, Nghĩa Hưng, Nam Định) chia sẻ, trước đây diện tích đất ven đê được người dân trong xã sử dụng để trồng lúa, tuy nhiên do trồng lúa kém hiệu quả, năm được năm mất, vất vả mà thu nhập thấp nên người dân dần bỏ hoang cho cỏ mọc, không buồn canh tác nữa. 

Thấy những thửa ruộng bỏ không, cỏ mục um tùm, ông Thái đã mạnh dạn đấu thầu 2ha để cải tạo thành mô hình vườn - ao - chuồng. Xong xuôi, ông tiến hành thả cá, rồi chỗ đất vượt lên thì làm vườn trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi kết hợp gà, vịt. Mùa nào thức ấy, hầu như lúc nào diện tích đất này cũng cho ông thu nhập.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 3): Đất hoang thành ruộng  trăm triệu - Ảnh 1.

Nông dân Quỳnh Phụ (Thái Bình) áp dụng cơ giới vào sản xuất. Ảnh: TTXVN

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thái thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng từ mô hình này.Đến nay ruộng lúa bỏ hoang ngày nào đã biến thành ao nuôi các loại cá rộng 1ha; trên bờ là 400 cây ổi, 4.000 cây đinh lăng, gần 1.000 con vịt, gà và nhiều loại rau màu…

Còn tại huyện Kiến Xương (Thái Bình), trong khi nông dân nhiều nơi thờ ơ với đồng ruộng thì ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý lại nỗ lực dồn đổi từng thửa ruộng với khát khao bắt những cánh đồng hoang "đẻ" ra mùa vàng.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 3): Đất hoang cỏ rậm rì bỗng thành ruộng "đẻ" trăm triệu - Ảnh 2.

Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) có thu nhập 600-700 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Trần Quang

Hiện là vụ thứ 5 mà ông Đỗ Văn Dân (ở thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình) sản xuất trên vùng ruộng tập trung thuê lại được từ người dân, với quy mô 50 mẫu. Ông Dân cho biết, diện tích này trước đây đều bị bỏ hoang không cấy lúa do chuột cắn phá, người dân đi làm công nhân... 

"Trước đây tôi làm dịch vụ làm đất, thu hoạch cho bà con. Vì tiếc đất quá, đồng thời tính được việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên tôi đã đề xuất với xã, đến từng hộ có ruộng để xin thuê ruộng. Xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý cho thuê đất với giá thuê bình quân 30kg thóc/sào/năm" - ông Dân kể.

Sau đó, ông Dân đã bỏ khá nhiều thời gian, công sức, vốn liếng để phá bờ thửa, cải tạo đồng ruộng bằng phẳng, xử lý diệt cỏ dại… Nhờ diện tích sản xuất khá lớn, ông Dân đã đầu tư 3,5 tỷ đồng trang bị 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt, máy bón phân, giàn gieo mạ tự động, làm 3 kho sấy lúa. 

Đặc biệt, ông thuê hẳn máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, vừa nhanh gọn vừa đảm bảo hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

Ông Dân cho biết, để thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, ông đã quy hoạch thành nhiều vùng, gồm ruộng sản xuất lúa giống, ruộng cấy lúa thương phẩm theo hợp đồng ký với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty Giống cây trồng Kiến Xương… 

"Tìm được đầu ra cho sản phẩm, tôi mới yên tâm đầu tư lớn cho sản xuất. Việc còn lại là làm sao cây lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị thu mua" - ông Dân nói.

Với máy móc sẵn có, ông Dân còn nhận làm đất, cấy thuê bằng máy, thu hoạch cho trên 100 mẫu ở trong và ngoài xã. Tổng doanh thu từ cấy lúa, làm dịch vụ của ông Dân đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Nhiều mô hình trăm triệu

Lãnh đạo huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết, vụ mùa năm 2017 trên địa bàn có tới 389ha đất bỏ hoang 1 vụ. Trước tình trạng này, huyện đã chủ động đề ra kế hoạch, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng ở một số diện tích đất trũng tại các xã Yên Trị, Yên Đồng sang mô hình lúa - cá; một số diện tích vàn cao, thường xuyên thiếu nước tại xã Yên Thắng, Yên Lương, Yên Đồng chuyển sang trồng cây hàng năm như khoai tây, đậu.

Hay tại xã Yên Hồng trước đây, diện tích bỏ ruộng vào khoảng 10ha nhưng đến nay, sau khi dồn điền đổi thửa, một số hộ đã thuê lại ruộng và chuyển đổi sang mô hình lúa - cá kết hợp trồng cây ăn quả, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha.

Theo ngành NNPTNT tỉnh Nam Định, căn cứ vào quy hoạch, hàng năm các huyện, thành phố đều đề ra kế hoạch mục tiêu chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên đất 2 lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi. Từ năm 2017 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 2.244ha đất lúa kém hiệu quả.

Trong đó, mô hình chuyển đổi đất trồng 2 vụ lúa/năm, chân cao, khó khăn về nước tưới ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy sang công thức luân canh: lạc xuân + lúa mùa + rau vụ đông, lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. 

Hay trên chân đất vàn cao ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, TP.Nam Định, người dân chuyển sang trồng hoa, cây cảnh cho lợi nhuận 100-200 triệu đồng/ha…

Tại một số địa phương, bà con vừa trồng lúa vừa kết hợp nuôi cá, tôm thẻ chân trắng hay các loài cá đặc sản như cá bống bớp, cá vược, cá song…, lợi nhuận lên tới 280-500 triệu đồng/ha/năm. Đơn cử như mô hình nuôi cá bống bớp tại Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cho lợi nhuận 250-300 triệu đồng/ha/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường), xã Hải Phúc (Hải Hậu) lợi nhuận đạt mức 400-500 triệu đồng/ha/năm… 

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, đầu năm 2010, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Nghị quyết này đã tạo bước mở cho việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, giúp nông dân ở các địa phương của Thái Bình nâng cao thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất.

Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh Thái Bình đã chuyển đổi trên 2.000ha đất canh tác, chủ yếu là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm, cây lâu năm khác có giá trị cao hơn.

Thái Bình đang phấn đấu hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000ha, đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 30.000ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem