Tháng 9.2016, món bún Việt Nam được lên CNN, nhưng nó xuất hiện với hình hài "bún chửi". Thứ văn hóa vừa chửi vừa bán, vừa nghe chửi vừa ăn thật ra rất hạ cấp ấy, đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội nghìn năm văn vật, bây giờ đâm nổi tiếng cả thế giới. Thật mỉa mai!
Nhưng "quả đắng" hôm nay xuất hiện phải có nguyên nhân nào chứ?
Hình ảnh quán "bún chửi" ở Ngô Sĩ Liên xuất hiện trên CNN
Từ thời sinh viên, cách mười mấy năm đến nay, tôi có vài người bạn là người Hà Nội gốc. Họ trầm tĩnh, nhẹ nhàng, ít nói, duyên dáng trong từng cử chỉ và có một tích tụ học vấn khiến tôi kính phục. Tiếc thay, những người thanh lịch ấy lại ít ỏi hơn rất nhiều so với những "người Hà Nội" khác từng gọi những sinh viên tỉnh lẻ như tôi là "đồ nhà quê" hoặc "chém" tôi một cốc trà đá nhỏ xíu với giá 10.000 vì nói giọng TP.HCM.
Nhưng đâu chỉ "bún chửi", trà đá "cắt cổ", trèo rào vào công viên nước hồ Tây, cướp hoa hồ Gươm,... mới tồn tại và nổi tiếng ở Thủ đô? Những vấn đề nói trên cũng xuất hiện tại các địa phương khác ở dạng này hay dạng khác nhưng cùng bản chất.
Buồn thay, bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp về đất nước ta, nhiều người Việt vẫn để lại những điều tiếng không đáng có. Đó là thói xả rác vô tư, ăn nói ầm ĩ nơi công cộng. Thậm chí ở một số nước, đau hơn còn là những ánh nhìn ngờ vực của bạn trước thói cắp vặt hay nạn trộm đồ trong siêu thị của một bộ phận người Việt...
Những tấm biển cảnh báo bằng tiếng Việt ở nước ngoài đôi khi là vết dao cứa vào lòng chúng ta. Những vết dao đó, khác gì món "cháo chửi" mà hôm qua thôi chúng ta mới được truyền hình nước ngoài "để mắt" tới. Sự "nổi tiếng" ấy đâu phải bây giờ mới tồn tại và dĩ nhiên là không phải sự tồn tại nào cũng hợp lý.
Đó là sự "nổi tiếng" bất hợp lý!
Nó bất hợp lý như việc quan chức Sơn La nói rằng Sơn La thiệt thòi nếu không được xây tượng đài nghìn tỉ. Nó bất hợp lý như cách quan chức Đà Nẵng muốn rời tòa nhà hành chính nghìn tỉ vì nóng và thiếu oxy. Các vị đã phê duyệt, giám sát và nghiệm thu công trình từ tiền thuế của dân thì phải dùng chứ sao lại than thở đòi dời đi?
Nó bất hợp lý như hàng chục nghìn tỉ đồng đã được chi để chống ngập để rồi ngập toàn TP.HCM.
Một ví dụ rất đơn giản về sự bất hợp lý là thay vì mời một chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để tư vấn cách làm thì cán bộ ta kéo cả đoàn ra nước ngoài "học hỏi". Ngân sách được dùng như thế hỏi sao ngân sách không bội chi, hỏi sao nợ công không tăng.
Có một điều kỳ lạ là suốt sáu năm tôi học ở Hà Nội và gần chục năm sau, mỗi năm ra Hà Nội ba, năm lần đều đặn, nhưng tôi không bị chửi khi ăn ở những cửa hàng phở quát, bún chửi, cháo chửi.
Hay những thực khách đến đây "Phải thế nào người ta mới thế chứ!'? Vì năm 2009, tôi từng chứng kiến môi xinh của một thiếu nữ thốt lên khi chờ đợi bát cháo ngon ở phố Hàng Trống: "Làm cái đ... gì lâu thế?". Quá đỗi ngỡ ngàng! Và đó không phải lần đầu tôi ngỡ ngàng ở Hà Nội.
Ngay khi có thông tin về cá chết nổi trắng ở Hồ Tây, người viết đã nhớ về một chuyện cách đây 14 năm về trước, khi lần đầu tôi ra Hà Nội. Khi phát hiện một thanh niên định vứt túi rác to xuống Hồ Tây, tôi đã lên tiếng nhẹ nhàng để ngăn anh ta lại. Anh ta nhướng mày nói: "Bố mày thích thế đấy! Làm đ... gì được nhau?". Cậu sinh viên năm xưa, là tôi, đã đứng ngỡ ngàng trước thái độ đó.
Có lẽ sự ngỡ ngàng năm xưa trước câu nói ấy đã khiến hôm nay tôi chẳng chút bất ngờ khi bạn tôi ở Hà Nội than thở rằng Hồ Tây có mùi... nhà xác.
Và cũng chẳng cần phải bất ngờ gì thêm nữa trong thời buổi này, vì tôi biết nguyên nhân do đâu mà sự bất hợp lý cứ kéo dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.