Những đại gia xăng dầu vướng vào tù tội, sở hữu khối tài sản “kếch xù”

Hồng Cảnh tổng hợp Thứ bảy, ngày 12/09/2020 04:55 AM (GMT+7)
Những vị đại gia này nhờ kinh doanh xăng dầu mà trở nên giàu có, đã và đang gây xôn xao dư luận do vướng phải vòng lao lý vì sản xuất, buôn bán xăng giả, buôn lậu xăng hoặc mua bán trái phép hóa đơn hàng nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

Đại gia xăng dầu Thái Bình sở hữu 2 biệt thự, có cả sân bay riêng

Ông Ngô Văn Phát (sinh năm 1964, quê ở thôn Tân Trào, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng khởi tố khi cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng - nổi tiếng khi có khối tài sản lớn trị giá cả ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, vào cuối giờ chiều ngày 8/9, Công an TP Hải Phòng khám xét biệt thự của ông Ngô Văn Phát nằm trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An để điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó, ông Ngô Văn Phát bị cáo buộc là người tổ chức, cầm đầu ổ nhóm, cùng các nhân viên đã có hành vi buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá lên đến hơn 5.000 tỉ đồng.

img

Đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát vừa bị bắt vì hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng số lượng “khủng”.

Theo thông tin ban đầu từ Cục thuế TP Hải Phòng, 13 công ty liên quan đến ông Ngô Văn Phát - Chủ tịch Công ty thương mại Xăng Dầu Phát (Phat Petraco) vừa bị bắt, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký hoặc ngừng hoạt động mà chưa xong thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Theo thông tin từ UBND huyện Tiền Hải, ông Phát là con trai thứ 2 trong gia đình có 6 anh em, bố là giáo viên và mẹ làm nông nghiệp. Từ năm 2012, ông Phát thành lập Công ty CP Tập đoàn Phú Thành, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chủ yếu là công trình xây dựng đường bộ, đường thủy, đường sắt, xây dựng nhà ở, các công trình về cấp thoát nước...

img

Vị đại gia xăng dầu này sở hữu 2 tòa lâu đài hoành tráng nổi nhất vùng.

Công ty này từng tham gia nhiều dự án lớn như: công trình xây lắp thiết bị công trình trục giao thông chính và một số hạng mục hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn 3, tỉnh Hà Nam; dự án Trung tâm thương mại DABACO tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; dự án đầu tư xây dựng cải tạo đường ĐT.280 đoạn An Quang - Đông Bình, huyện Gia Bình, Bắc Ninh; hệ thống nước làm mát dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, tỉnh Hậu Giang...

Riêng tại tỉnh Thái Bình, Công ty CP Tập đoàn Phú Thành cũng đang có dự án công trình cải tạo, mở rộng đường đê 5 (đoạn từ đường ĐT.462 xã Nam Hưng đến Cống Khống) ở huyện Tiền Hải.

Đặc biệt vào tháng 3/2020, công ty này báo cáo UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình về phương án quy hoạch dự án phân khu xây dựng khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng tại Cồn Vành, Cồn Thủ cùng khu cảng Ba Lạt.

img

Phối cảnh tổng thể siêu dự án nghìn tỷ tại Cồn Vành của đại gia Ngô Văn Phát.

Theo đó, khu du lịch Cồn Vành được quy hoạch 630ha, khu du lịch Cồn Thủ là 613ha, khu du lịch hỗn hợp gồm Cồn Thủ - Cồn Vành là 2.155ha và khu cảng Ba Lạt là 111ha. Theo phương án quy hoạch của công ty này, dự án sẽ có 5 phân khu chức năng chính gồm: khu sân golf 36 lỗ, khu casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái tâm linh, khu công viên giải trí vui chơi cảm giác mạnh và khu đô thị du lịch sinh thái.

Ngoài Công ty CP Tập đoàn Phú Thành, ông Ngô Văn Phát được biết đến nhiều hơn trong vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty CP xăng dầu Phát - Petraco. Công ty cũng được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2012 với ngành nghề hoạt động chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.

Không những thế, đại gia Ngô Văn Phát còn nổi tiếng khắp cả nước bởi sở hữu những tòa lâu đài hoành tráng bậc nhất tại TP.Hải Phòng và tỉnh Thái Bình. Đặc biệt tòa lâu đài ở Thái Bình mang phong cách châu Âu rộng hàng nghìn mét vuông, có thang máy, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại không kém gì những trường quay sang chảnh trong các đài truyền hình lớn. Ngoài ra, trên mái tòa lâu đài này còn xây dựng mái phẳng để đậu trực thăng.

Đại gia Sóc Trăng sản xuất và buôn bán 137 triệu lít xăng giả

Năm 2019, vụ sản xuất buôn bán xăng giả của đại gia xăng dầu Trịnh Sướng đã gây xôn xao dư luận khi từ năm 2017 đến thời điểm bị bắt (ngày 02/06/2019), công ty Trịnh Sướng đã pha chế, sản xuất hơn 137 lít xăng giả các loại, tương đương giá trị hàng thật là 2.492 tỷ đồng .

Cụ thể, các đối tượng mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả rồi bán ra thị trường thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, thu lợi bất chính 107 tỷ đồng.

img

Đại gia xăng dầu Trịnh Sướng bị bắt vì sản xuất và buôn bán xăng giả.

Được biết, Trịnh Sướng xuất thân trong một gia đình đông anh em ở thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Sau khi cưới vợ, Tám Sướng bắt đầu kinh doanh xăng dầu và phất lên rất nhanh, sở hữu rất nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh, cùng hàng chục xe vận tải và sà lan chở xăng dầu.

Theo cơ quan điều tra, ông Sướng thành lập hai công ty, gồm Công ty TNHH Mỹ Hưng và Công ty TNHH Gia Thành. Đặc biệt, Công ty Mỹ Hưng có 18 lần thay đổi giấy phép kinh doanh (lần cuối ngày 28/12/2018), vốn điều lệ 60 tỷ đồng, chỉ có một thành viên góp vốn.

Doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng có quan hệ với 4 ngân hàng, tổng dư nợ trên 568,6 tỷ đồng. Tất cả vốn vay này đều ngắn hạn, gồm 1 chi nhánh ngân hàng ở Sa Đéc (Đồng Tháp, trên 147,3 tỷ đồng), còn lại là 3 chi nhánh ở TP.Sóc Trăng.

img

Doanh nghiệp nổi tiếng nhất vùng của đại gia xăng dầu Trịnh Sướng.

Không chỉ là đại gia xăng dầu, ông Trịnh Sướng còn là đại gia bất động sản miền Tây. Khoảng 2 năm nay, bạn bè thấy ông Sướng hay bàn bạc với đối tác về bản đồ quy hoạch nhà đất ở Sóc Trăng. Đại gia xăng dầu sau đó đầu tư vào bất động sản, mua lại nhà hàng, khách sạn của những người kinh doanh không thành công.

Trịnh Sướng đã sở hữu gần 60 thửa đất với tổng diện tích gần 46.000 m2 ở khắp các phường trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Đa số đất này nằm ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Trương Công Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Mạc Đĩnh Chi... Ngoài 30 nền nhà trong khu đô thị 5A, những thửa đất còn lại đều có cây xăng, nhà hàng và khách sạn.

Đầu năm 2018, Tám Sướng đầu tư 50 tỷ đồng để mua 5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, dù thị giá cổ phiếu PVCL trên sàn chứng khoán vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 4.000 đồng/cổ phần. Từ đó, nhân vật này chính thức trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 10,53%, vượt xa các cổ đông lớn còn lại.

Không chỉ hào phóng bỏ số tiền gấp 2,5 lần thị giá để đầu tư, Tám Sướng còn cho PVCL vay từ 30 - 40 tỷ đồng không cần thế chấp trong giai đoạn 2017-2018 và hiện nay Trịnh Sướng hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

Đại gia Thanh Hóa buôn lậu 1.800m3 dầu DO

Việc ông Nguyễn Trường Sơn (SN 1954), trú tại phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa, giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn bị bắt vào ngày 31/12/2013 về tội buôn lậu 1.800m3 dầu DO đã gây xôn xao dư luận bởi doanh nghiệp này được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có năng lực vận tải biển lớn, sở hữu nhiều tàu trọng tải lớn tại Việt Nam.

img

Căn biệt thự giữa khu đất vàng của đại gia Nguyễn Trường Sơn tại TP.Thanh Hóa.

Vì lòng tham, Nguyễn Trường Sơn đã dùng mánh khóe để trục lợi từ việc buôn lậu xăng dầu. Thông qua đối tượng người nước ngoài, vợ chồng Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn “sắt”), nhập lậu số lượng lớn dầu không rõ nguồn gốc vào Việt Nam và bán chênh lệch giá. Dầu DO được nhập lậu với giá 20.000 đồng/lít, đưa về Việt Nam bán với giá 21.000 đồng/lít. Mỗi vụ trót lọt vợ chồng Sơn kiếm lời hàng tỉ đồng.

Sự việc chỉ được phát giác vào sáng 17/12/2013, trên vùng biển huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tàu An Bình 126 đã cập mạn để hút 1.800m3 dầu lậu từ một con tàu Trung Quốc. Sau khi lấy được hàng, tàu An Bình 126 di chuyển đến một vị trí gần đó rồi chuyển hàng sang các tàu nhỏ đưa vào bờ. Thời điểm bị bắt, các đối tượng có liên quan không giải trình được nguồn gốc số hàng trên tàu. Giá trị lô hàng được Hội đồng định giá tỉnh Quảng Ninh xác định hơn 31 tỷ đồng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem