Xét xử ông Nguyễn Đức Chung: Kiểm sát viên gay gắt nói về ứng xử nơi pháp đình
Những điểm đáng chú ý trong phiên tòa xử vụ cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Phạm Hiệp
Thứ tư, ngày 15/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phản bác chuyện có công ty "sân sau", kiểm sát viên gay gắt khi đối đáp với các luật sư về văn hóa ứng xử nơi pháp đình là hai trong số nhiều điểm đáng chú ý ở phiên xét xử ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác chuyện có công ty "sân sau"
Phiên tòa sơ thẩm, xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm trong vụ mua bán, sử dụng Redoxy 3C đã khép lại. Trong vụ án, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội được xác định có vai trò chủ mưu, là bị cáo đầu vụ.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ông này còn bị buộc phải bồi thường 25 tỷ đồng trên tổng số 36,1 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án. Xuyên suốt trong 2 ngày diễn ra phiên xét xử, nhiều diễn biến tại tòa đã khiến dư luận chú ý.
Đầu tiên là việc cựu Chủ tịch Hà Nội phản bác chuyện "đẻ" ra công ty "sân sau" để thâu tóm lợi ích. Trong vụ án, nhà chức trách cáo buộc Công ty Arktic (đơn vị bán Redoxy 3C cho Công ty Thoát nước Hà Nội) là công ty gia đình của ông Chung.
Bào chữa trước cáo buộc này, ông Chung nói chưa bao giờ đặt vấn đề với Nguyễn Trường Giang – Tổng giám đốc Công ty Arktic cho mình gửi phần trăm vào Công ty Arktic để được hưởng lợi. Ông cũng khẳng định chưa bao giờ có ý nghĩ bàn với Giang để "đẻ" ra một công ty gọi là sân sau.
Bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết gia đình ông có công ty TNHH từ năm 1996, đã kinh doanh được 20 năm với nhiều mặt hàng. Nếu ông muốn làm Redoxy 3C cho cá nhân, ông đã liên hệ trực tiếp với vị giám đốc nước ngoài.
Cựu Chủ tịch Hà Nội cũng bào chữa, ở tuổi của mình ai chẳng muốn phấn đấu, ai chẳng muốn làm tốt và khẳng định mình không bao giờ bàn cách làm ăn trắng trợn như trên.
"Làm lợi cho Nhà nước mà lại kê biên nhà tôi"
Đó là câu nói của ông Nguyễn Đức Chung khi nhắc đến việc Cơ quan điều tra kê biên 3 căn nhà của ông này để đảm bảo việc thi hành án.
Clip: Bị cáo Nguyễn Đức Chung nói làm lợi cho Nhà nước nhưng lại bị kê biên nhà. Nguồn: PH
Liên quan hiệu quả của Redoxy 3C, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng mình làm quản lý nhà nước, chỉ biết căn cứ vào đơn giá, định mức và "rõ ràng nó hiệu quả hơn thì phải chọn".
Căn cứ được ông Chung đưa ra để giải thích cho việc chọn Redoxy 3C vì nó đáp ứng được tiêu chí có lợi cho Nhà nước và cho dân.
"Lợi cho Nhà nước chúng tôi nhìn thấy về tài chính. Lợi cho dân, trực tiếp những người dân chịu hôi thối hàng chục, hàng hai chục năm ở nhiều hồ trên địa bàn Hà Nội" – cựu Chủ tịch Hà Nội nói.
Nhà chức trách xác định Nhà nước bị thiệt hại hơn 36,1 tỷ đồng, từ đó đã tiến hành kê biên 3 ngôi nhà của vợ chồng ông Chung.
Đứng trước tòa, ông Chung nói: "Làm lợi cho Nhà nước như vậy nhưng lại kê biên nhà tôi".
Cựu Chủ tịch Hà Nội tâm tư về "ngày về nhà"
Theo dõi phần cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, nhiều người cũng bày tỏ sự ái ngại khi ông Chung nhắc đến bản án đã nhận trước đó 1 năm, về bệnh tật và nghĩ sẽ không biết còn khỏe để trở về nhà.
"Tôi mong muốn HĐXX xem xét một cách công minh, chính trực, đúng pháp luật trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Cá nhân tôi đã có một bản án, người thì bệnh tật như vậy (ông Chung bị ung thư – PV), không biết là sẽ có về được đến nhà để đưa bố mẹ đi ma hay không. Rất mong muốn HĐXX xem xét thấu đáo".
Clip: Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo lắng không biết còn đủ sức khỏe để về tiễn đưa bố mẹ hay không. Nguồn: PH
Trong vụ án, ban đầu ông Chung bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị từ 10 đến 12 năm tù cho tội danh nêu trên. Tuy nhiên khi gia đình ông này nộp số tiền 10 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án khác với ông Chung, đó là từ 8 đến 10 năm tù.
Kết quả, HĐXX tuyên phạt ông Chung 8 năm tù, cộng với bản án 5 năm tù vì chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước vào năm 2020, buộc ông này phải chấp hành 13 năm tù.
Theo khung hình phạt ở tội danh mà ông Chung bị truy tố, với tội danh đó thì ông sẽ phải nhận mức án từ 10 đến 15 năm tù. Như vậy, ông Chung đã được tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo truy tố.
Kiểm sát viên gay gắt nói về ứng xử nơi pháp đình
Phản hồi gay gắt trước khi tranh luận với các ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, ý kiến của các bị cáo trong phiên xét xử cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cho biết, ông không đồng tình với thái độ, ý kiến của một số luật sư, một số bị cáo.
"Tại phiên tòa, một số ý kiến bị cáo nói rằng Viện Kiểm sát chúng tôi quy chụp, vu khống, đổ oan. Luật sư nói không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Báo cáo với luật sư, bị cáo, việc này trong quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự có 10 điều, kiểm sát viên phải có trách nhiệm thực hiện đủ 10 điều đó chứ không phải một nguyên tắc suy đoán vô tội" – vị đại diện Viện Kiểm sát nói.
Theo vị kiểm sát viên, họ xuất hiện ở tòa với chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền năng Nhà nước, thực hành quyền công tố.
"Chúng tôi trong vụ án vừa phải buộc tội, vừa phải gỡ tội; vừa phải tìm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các tình tiết khác có lợi cho bị cáo.
Nguyên tắc của chúng tôi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo cũng như quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của công dân, của Nhà nước.
Chúng tôi cũng rất thông cảm với vị trí, vai trò của các luật sư, với góc độ bào chữa cho thân chủ mình, tôi hiểu việc áp lực đảm bảo sự thật khách quan.
Tôi muốn nói về ứng xử với nhau. Chúng tôi trong quá trình giao tiếp rất tôn trọng, trên cơ sở phán quyết của HĐXX, chúng ta chỉ đưa ra quan điểm trao đổi với nhau. Chúng ta đừng nên áp đặt nhau là tôi làm oan, tôi áp đặt thế này, tôi không thực hiện suy đoán vô tội.
Tôi không đồng ý với ý kiến của một số luật sư cho chúng tôi không tôn trọng, không suy đoán vô tội. Chúng tôi còn phải thực hiện trách nhiệm hơn các luật sư" – vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội gay gắt.
Ngoài ra, vị kiểm sát viên cũng phản hồi về quan điểm một số luật sư cho rằng hình như Viện Kiểm sát không nghiên cứu cáo trạng.
"Tôi cho rằng nếu luật sư sẵn sàng nói thì nói thẳng kiểm sát viên không nghiên cứu về nội dung này, chúng tôi sẽ trả lời, còn tất cả hình như, ví dụ chỉ là ví dụ thôi, không phải cái cụ thể. Đó là cái tôi muốn nói về ứng xử văn hóa pháp đình" – kiểm sát viên nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.