Những điểm đáng chú ý trong phiên xét hỏi tội vận chuyển tiền tệ qua biên giới vụ Vạn Thịnh Phát
Xét xử Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Những điểm đáng chú ý trong phiên xét hỏi tội vận chuyển tiền tệ qua biên giới
Xuân Huy - Chinh Hoàng
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 06:01 AM (GMT+7)
Kết thúc phần xét hỏi nhóm bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 liên quan đến tội “Rửa tiền”, tòa tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo tội “Vận chuyển tiền tệ qua biên giới”, hầu hết các bị cáo thừa nhận tội như cáo trạng quy kết.
Dân Việt điểm lại những lời khai đáng chú ý đối với nhóm các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 với tội danh "Vận chuyển tiền tệ qua biên giới".
HĐXX thông báo hôm nay (27/9) sẽ tiến hành xét hỏi làm rõ đến các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ và các quyền tài sản của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do đó, HĐXX đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan có mặt tại phiên tòa ngày để phục vụ việc xét hỏi.
9 bị cáo trong nhóm hành vi "Vận chuyển tiền tệ qua biên giới" thừa nhận hành vi
Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Phương Anh khai nhận với vai trò là Tổng giám đốc Công ty SPG, về việc chuyển tiền ra nước ngoài bị cáo có quản lý 3 công ty và phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và ông Chiu Bing Keung (là người bên Singapore, luật sư của bị cáo Lan) lập các hợp đồng "khống" cho 3 công ty, từ đó chuyển tiền đi nước ngoài, số tiền chuyển đi khoảng hơn 1.300 tỷ đồng số tiền nhận về hơn 800 tỷ đồng.
Theo bị cáo Phương Anh, cáo trạng truy tố mình về số tiền, hành vi, tội danh là đúng, không oan sai. Tuy nhiên, bị cáo Phương Anh cho rằng, mình cũng là người làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ vụ lợi.
Tương tự bị cáo Trịnh Quang Công, khai phụ trách 7 công ty, các công ty này do bị cáo Hoàng giao nhiệm vụ quản lý, đến khi bị cáo Hoàng nghỉ việc thì bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Trương Mỹ Lan. Các hợp đồng, giao dịch với các công ty ở bên nước ngoài trên thực tế là không có, chủ yếu do bị cáo xây dựng các hợp đồng khống theo hồ sơ do ông Chiu Bing Keung gửi qua.
"Sau khi xây dựng các hợp đồng khống thì tôi chuyển cho Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Cống Quỳnh thực hiện việc chuyển tiền. Số tiền chuyển đi, chuyển về hiện tôi không nhớ chính xác, việc sử dụng tiền như thế nào bị cáo không biết, nguồn tiền chuyển đi là vay của ngân hàng khác", bị cáo Công trình bày và thêm, cáo trạng truy tố bị cáo về số tiền, hành vi, tội danh là đúng, không oan sai.
Tiếp đó, bị cáo Tô Thị Anh Đào khai nhận được bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo và giao quản lý Công ty Helios để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng "khống" giữa Công ty Helios với Công ty ở nước ngoài. Hồ sơ của các công ty nước ngoài và các hợp đồng đều được nhận từ ông Chiu Bing Keung là luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo bị cáo Đào, việc nhận và chuyển tiền thông qua việc ký các hợp đồng khống với các công ty nước ngoài là sai so với quy định của pháp luật. Bị cáo Đào cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về số tiền, hành vi, tội danh là đúng, không oan sai…
Bên cạnh đó, 4 bị cáo khác gồm: Nguyễn Vũ Anh Thi, Nguyễn Hữu Hiệu, Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Võ Tấn Hoàng Văn đều thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết.
Đối với Trương Mỹ Lan – chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo này nói nghe rõ các lời khai của các bị cáo khác trong nhóm hành vi "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và không có ý kiến gì về lời khai của các bị cáo này.
Theo bị cáo Lan, việc vay tiền ở nước ngoài nhằm có tiền để tái cơ cấu SCB và khi nước ngoài họ cho vay thì bị cáo phải chuyển tiền trả lại cho họ. "Tôi xác định cáo trạng truy tố bị cáo về số tiền chuyển, nhận, hành vi, tội danh tôi không có ý kiến. Tôi đề nghị HĐXX xem xét hành vi này theo đúng quy định", bà Lan nói.
Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét về khoản tiền cơ quan công tố cáo buộc bà tội "Vận chuyển tiền qua biên giới"
Cũng tại phiên tòa chiều 26/9, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan nói trong số tiền chuyển tiền ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ đô, trong khi đó bị cáo nhận về hơn 3 tỷ đô, trong đó có số tiền chuyển từ bạn bè nước ngoài về gần 1 tỷ đô để mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu tại SCB. Số tiền này sau đó đã bị cơ quan tố tụng sử dụng để quy kết cho bị cáo tội danh "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", nên đề nghị HĐXX xem xét lại.
Bị cáo Lan nói thêm rằng, thủ tục trình tự để chuyển tiền ra nước ngoài bị cáo hoàn toàn không biết được, việc này do các nhân viên của SCB thực hiện; khi cơ quan tố tụng chỉ ra có sai phạm trong thủ tục thì bị cáo xin chịu trách nhiệm về hậu quả đã xảy ra và không có ý kiến…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.