Những điểm du lịch sinh thái, hút khách đến câu cá sấu, mua sản phẩm OCOP ở Cần Giờ

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 23/11/2022 15:58 PM (GMT+7)
Sản phẩm OCOP du lịch tại TP.HCM được đánh giá rất tiềm năng với nhiều điểm đến du lịch sinh thái, các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề nông thôn.
Bình luận 0

Đi tìm sản phẩm OCOP du lịch

Huyện Cần Giờ đang khẩn trương hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho điểm du lịch sinh thái Dần Xây (xã An Thới Đông) và khu du lịch Vàm Sát (xã Lý Nhơn). Đây là hai điểm du lịch nổi tiếng, hút khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM.

Khu du lịch sinh thái Vàm Sát nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, từng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là Khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới tại Việt Nam. 

Ngoài du lịch, Vàm Sát còn làm nhiệm vụ bảo tồn rừng và hệ sinh thái tại Cần Giờ. Điểm du lịch Dần Xây tập trung vào khung cảnh thiên nhiên sẵn có, đưa du khách trải nghiệm rừng đước bạt ngàn cùng bầu không khí trong lành.

Tiềm năng OCOP du lịch tại TP.HCM - Ảnh 1.

Huyện Cần Giờ đang hoàn chỉnh hồ sơ cho Khu du lịch Vàm Sát (xã Lý Nhơn) xếp hạng OCOP. Ảnh: Hồng Phúc

Đến nay, TP.HCM vẫn chưa có sản phẩm OCOP du lịch. Các quận huyện đang tích cực tìm kiếm, hoàn thiện hồ sơ cho các điểm đến để đề xuất đánh giá OCOP.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện là tiền đề để thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch sinh thái. 

Phát triển du lịch không chỉ thu hút du khách mà còn là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập, mức sống. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại xã đảo Thạnh An, đảo Thiềng Liềng thời gian qua đã thu hút khách. Đây đều là những sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP.

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (Bình Chánh), cho biết với lợi thế và tiếng tăm của làng mai vàng Bình Lợi, mô hình nuôi cá chép Koi, vườn dừa bonsai… xã đang có kế hoạch gắn kết các điểm đến này thành sản phẩm OCOP du lịch. Thông tin đã được phổ biến đến các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh và được đồng thuận cao.

"Các sản phẩm hoa, cây cảnh, cá cảnh được kết nối thành sản phẩm OCOP giúp thu hút khách du lịch tới làng mai Bình Lợi, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Đây cũng là cách vừa quảng bá, vừa giúp nông dân Bình Lợi đang trồng mai, nuôi cá Koi, trồng dừa bonsai… có thêm được nhiều khách hàng" - bà Công nói.

Đầu tư cho OCOP du lịch

Ngoài sản phẩm hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, Chương trình OCOP quốc gia và TP.HCM còn tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch tại địa phương. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. 

Cả nước đang có 65 sản phẩm OCOP du lịch. Nhiều vùng đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc.

Tại TP.HCM, sản phẩm OCOP du lịch được đánh giá rất tiềm năng với nhiều điểm đến du lịch sinh thái, các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề nông thôn tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.

Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, để phát triển các sản phẩm OCOP là dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch tại địa phương, thành phố sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch. Đồng thời, thành phố cũng gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương để khai thác các giá trị du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem