Cây đước, cây cóc bị dây quấn bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau mà tạo tác nên các đồ độc, lạ

Thứ tư, ngày 23/11/2022 10:09 AM (GMT+7)
Thân cây đước, chang đước, cây cóc, cây dà, cây vẹt do các dây leo quấn quanh thân cây lâu ngày thành hình xoắn trông rất lạ mắt, được người bản địa vùng rừng ngập mặn Cà Mau có đôi bàn tay khéo léo chế tác thành chiếc giá võng, bộ sa-lon...rất đẹp.
Bình luận 0

Rừng ngập mặn Cà Mau hình thành trên dải đất phù sa từ hàng trăm năm, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, có diện tích 63.017 ha, đứng thứ 2 thế giới sau rừng Amazon ở Nam Mỹ. Cây rừng ngập mặn chủ yếu là đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, dương xỉ, dây leo… Trong đó, đước là loài cây chiếm đa số, nên gọi là rừng đước, là biểu tượng đặc trưng của vùng Ðất Mũi Cà Mau.

Những năm gần đây, rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, tạo điều kiện cho du lịch Cà Mau phát triển.

Cũng thông qua đó, những sản phẩm làm từ cây đước cũng lên ngôi, như đũa đước, các biểu tượng làm bằng gỗ đước, theo chân khách thập phương đến mọi miền đất nước. 

Thân cây đước, chang đước, cây cóc, cây dà, cây vẹt do các dây leo quấn quanh thân cây lâu ngày thành hình xoắn trông rất lạ mắt, được người bản địa có đôi bàn tay khéo léo chế tác thành chiếc giá võng, bộ sa-lon... rất đẹp. 

Anh Nguyễn Hoàng Hôn, chủ Khu du lịch sinh thái Hoàng Hôn (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Vài năm trước, tại vùng rừng ngập mặn này có một số người đi khai thác rừng tìm những cây đước, cóc, dà bị dây cóc kèn bám quấn vào thân cây, lâu ngày cây khuyết sâu theo đường dây quấn, đem về làm giá võng, thấy đẹp, lạ nên mọi người sưu tầm, giờ trở thành khan hiếm. Tôi cũng sưu tầm được gần chục chiếc trang trí trong nhà, phục vụ du khách tại các điểm du lịch sinh thái”.

Cây đước, cây cóc chết bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau đủ để tạo tác nên các món hàng độc, lạ - Ảnh 1.

Bộ giá võng bằng gỗ đước, gỗ cóc phục vụ du khách nghỉ ngơi của anh Nguyễn Hoàng Hôn, chủ nhân Khu du lịch sinh thái Hoàng Hôn, Mũi Cà Mau, nhìn rất đã mắt.

Cây đước, cây cóc chết bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau đủ để tạo tác nên các món hàng độc, lạ - Ảnh 2.

Bộ thanh ngang giá võng được dây cóc kèn quấn tạo hình hài rất lạ.

Khi giá võng bằng cây rừng ngập mặn khan hiếm, nhiều người chuyển qua sưu tầm gỗ lõi, gỗ lũa từ nơi sạt lở ven sông, ven biển, hay trong đất rừng nuôi tôm những gốc cây cổ thụ có tuổi đời vài chục đến vài trăm tuổi, nằm sâu trong lòng đất. Ðây là những gốc gỗ lũa độc bản, quý hiếm, rất giá trị. 

Anh Ðoàn Thanh Chính (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), người sưu tầm được 5 gốc gỗ lũa bằng cây su, rất độc lạ, cho biết gỗ lũa là phần lõi ở gốc của cây cổ thụ sau khi chết, chúng bị chôn vùi sâu trong lòng đất. 

Theo thời gian vài chục, vài trăm năm, đất đai bị xâm thực từ sóng biển, sạt lở từ lòng sông… bị lộ thiên, nhưng rất hiếm gặp. Bộ rễ cây su to nhất mà anh đào được có chiều cao 2,5 m, ngang 3,5 m, đã có người hỏi mua vài chục triệu đồng nhưng anh không bán.

Cây đước, cây cóc chết bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau đủ để tạo tác nên các món hàng độc, lạ - Ảnh 3.

Anh Ðoàn Thanh Chính (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là người sưu tầm được 5 gốc gỗ lũa bằng cây su rất độc, lạ. Bộ rễ cây su to nhất này anh đào được có chiều cao 2,5 m, ngang 3,5 m, trị giá vài chục triệu đồng.

Trong hành trình khám phá Mũi Cà Mau, những ai ghé qua trạm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc) đều trầm trồ gốc rễ gỗ lũa bằng cây su cổ thụ, trưng bày ngay nhà hàng của quán. Anh Lê Minh Tỵ, chủ nhân gốc gỗ độc lạ này kể, tuyệt phẩm này được anh mua lại từ năm 2001 của một chủ vuông tôm khu vực ngọn Giao Ðu, ấp Nhưng Miên, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển. 

Trong quá trình cải tạo vuông, họ tìm thấy gốc su cổ thụ nằm sâu gần 5 m dưới lòng đất, phải mất nhiều ngày công mới đào lên được. 

Cũng theo anh Tỵ, qua thời gian bị sóng biển bào mòn, có những phần rễ cây bị đứt nên khi mua về chơi gỗ lũa, anh Tỵ ghép chúng lại theo hình thù nguyên thuỷ của nó. Gốc này theo anh Tỵ là vô giá, bởi nó gần như hoá thạch ở phần gốc cây.

Cây đước, cây cóc chết bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau đủ để tạo tác nên các món hàng độc, lạ - Ảnh 4.

Từ bộ rễ đước lõi, qua bàn tay nghệ nhân điêu khắc, thành sản phẩm hình đôi cá rất đẹp.

Cây đước, cây cóc chết bao lâu trong rừng ngập mặn Cà Mau đủ để tạo tác nên các món hàng độc, lạ - Ảnh 5.

Chân bộ sa-lon của nhà anh Hồ Văn Toàn (ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi) bằng gỗ đước xoắn tự nhiên rất hiếm và độc, lạ.

Chơi giá võng, sa-lon bằng cây rừng hay bộ rễ gỗ lũa không có công thức, khuôn mẫu, người sưu tầm tự nghiên cứu ý tưởng để tạo ra một tác phẩm đẹp theo dáng tự nhiên của nó. Những tác phẩm này đa số là phần rễ và lõi gốc cây rất cứng, thuộc dạng quý hiếm. 

Hiện nay, rất nhiều người tìm được của quý hiếm này dùng để trang trí trong gia đình cũng như trưng bày tại các điểm tham quan du lịch, bởi chúng rất phù hợp với không gian và cảnh quan thiên nhiên nơi vùng rừng ngập mặn Mũi Cà Mau.

Anh Duy (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem