Với mức phí 3G cao như hiện nay, việc sử dụng nhiều thiết bị
có kết nối 3G được xem là hết sức lãng phí. Theo đó, giới công nghệ sử dụng nhiều
giải pháp mới nhằm hạn chế hao tốn cước phí 3G không cần thiết.
Lựa chọn hợp lý hơn
Anh Minh, một dân xài công nghệ ở quận Tân Phú, cho biết hiện
anh đang sở hữu một chiếc Samsung S3 và một chiếc iPad 2 có 3G. Thế nhưng chiếc máy
tính bảng cũ ngày càng chậm, anh quyết định đổi sang một thiết bị tốt hơn là chiếc
Nexus 7 2013 có kết nối Wi-Fi.
"Mặc dù chiếc máy tính mới chỉ có kết nối Wi-Fi, nhiều
bất tiện so với chiếc máy cũ. Tuy nhiên, tôi không sử dụng 3G nhiều và với mức cước
cao như hiện nay, tôi cũng không muốn tốn thêm nhiều chi phí khi dùng cả điện thoại và
máy tính bảng đều kết nối 3G" - anh Minh chia sẻ.
Chọn máy phát 3G được xem là giải pháp tiết kiệm của nhiều người.
Theo một số điểm kinh doanh máy tính bảng, người dùng đang
có xu hướng chọn mua những sản phẩm chỉ có Wi-Fi để xài kèm với một chiếc điện
thoại có kết nối 3G. Xu hướng này giảm được chi phí mua máy vì các sản phẩm có 3G
thường đắt hơn khoảng 2 triệu đồng, trong khi đó lại không lo tốn cước gấp đôi.
Anh Long, Giám đốc Công ty Tablet Plaza, cho hay người dùng
chọn mua máy tính bảng cũng cẩn trọng hơn so với trước đây, hiện tại có khá nhiều
người tiêu dùng quay sang chọn thiết bị chỉ có Wi-Fi. "Trước đây, nhiều người vẫn có
tâm lý phải mua một chiếc máy tính bảng thật tốt, có 3G dù chưa chắc xài, thế nhưng
xu thế này đang thay đổi khi mức cước tăng" - anh Long phân tích.
Không chỉ trong mua sắm thiết bị, người xài công nghệ cũng
bắt đầu dè sẻn hơn. Theo các diễn đàn công nghệ, với việc bóp dung lượng và tăng
cước, không ít người dùng cắt 3G hoặc chuyển qua xài Wi-Fi. Anh Tân (quận Gò Vấp) khi hay
tin cước 3G tăng anh cắt ngay cước của chiếc máy tính bảng đang dùng. Ngay cả chiếc điện thoại
anh cũng chuyển sang gói cước xài theo lưu lượng, khi cần mới mở máy kết nối 3G, đa
phần anh xài Wi-Fi.
Xài 3G kiểu tiết kiệm
Bên cạnh đó, hiện không ít người dùng sử dụng 3G quay lại các
giải pháp tiết kiệm quen thuộc. Đơn cử như dùng điện thoại có kết nối 3G, sau đó phát
Wi-Fi cho nhiều thiết bị sử dụng. Hay mua USB 3G và một thiết bị phát sóng, sau đó phát
sóng Wi-Fi cho cả điện thoại, máy tính bảng và laptop sử dụng.
Theo kinh nghiệm của giới công nghệ, để hạn chế hao tốn dữ
liệu và chi phí bất ngờ, đặc biệt với những người sử dụng gói cước 3G không giới
hạn, người dùng cần kiểm tra dữ liệu băng thông, nâng cấp phần mềm thường xuyên bằng
Wi-Fi, tránh tình trạng máy tự động nâng cấp dữ liệu khi kết nối 3G. Tránh tải các bài
hát, bộ phim hay tập tin dung lượng lớn trong khi sử dụng kết nối dữ liệu mạng di động.
Bên cạnh đó là quản lý chặt chẽ các dữ liệu chạy ngầm,
gây hao tốn băng thông. Đơn cử như ứng dụng Facebook, Yahoo và một số game online…, dù là
thường xuyên hay không sử dụng, các ứng dụng này cũng thích ngốn dữ liệu. Nguyên nhân do các ứng
dụng này thường xuyên kiểm tra các bản cập nhật, chạy quảng cáo và làm mới nội dung người dùng
trong chế độ nền.
Ngoài ra, người dùng cũng nên lựa chọn các giải pháp phần
mềm tắt kết nối 3G, vừa tiết kiệm pin của thiết bị vừa giảm thiểu được hao tốn 3G.
Theo đó có thể sử dụng các phần mềm như: 2G-3G Onoff, Switch network type 2g/3g, Status bar
2g-3g… để tắt mở 3G khi cần thiết.
Tận dụng các tính năng
offline
Hiện nay có khá nhiều phần
mềm hữu dụng có thêm tính năng offline bên cạnh tính năng kết nối mạng. Mặc dù phải mất
thời gian để tải chúng về và yêu cầu một không gian lưu trữ trên bộ nhớ, thế nhưng chúng sẽ ít
tốn 3G khi thực hiện các kết nối. Đơn cử như Google Maps cho phép người dùng nhớ tạm bản
đồ, sau khi tải về người dùng có thể xem và điều hướng chúng mà không cần sử dụng kết nối dữ
liệu. Hay các phần mềm chuyển ngữ của Google, cũng có tính năng cài đặt và sử dụng
offline.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.