Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân năm 2023 (Bài 1)

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 25/10/2024 10:16 AM (GMT+7)
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả thực hiện Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023. Theo đó, sau Hội nghị, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tập trung, tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bình luận 0

Lời tòa soạn. Ngày 30/12/2023 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 đã diễn ra với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Hội nghị có hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ và gần 4.500 đại biểu ở 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 8 nhóm vấn đề cần tập trung tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 381 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tới 11 Bộ, ngành và các địa phương nhằm thực hiện quyết liệt các giải pháp trên. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành tập trung xây dựng các chính sách về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng thị trường, khơi thông nguồn vốn tín dụng. Các địa phương tập trung giải quyết các vấn đề tại địa phương mình, đặc biệt cần tiếp tục tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với Nông dân định kỳ hàng năm.

Sau gần 1 năm thực hiện Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay nhiều Bộ, ngành đã xây dựng được các chính sách thiết thực, cụ thể để hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân, tạo khí thế phấn khởi, động lực quan trọng giúp người nông dân không ngững nỗ lực sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững. Từ hôm nay 25/10, Dân Việt xin đăng tải loạt bài "Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân năm 2023" để có cái nhìn toàn diện về sự kiện quan trọng này đối với giai cấp nông dân Việt Nam.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 (Bài 1) - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023. Ảnh: Lê Hiếu.

Bài 1: Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức hàng năm, từ nhiều năm nay đã trở thành một sự kiện không thể thiếu để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng tới người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là kênh tiếp nhận thông tin hiệu quả, thông suốt đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Những chính sách luôn lấy người nông dân là chủ thể, là trung tâm

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vào 8 nhóm vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (i) Nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng làm giàu; (ii) Nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) Nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; (iv) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh;

(v) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (vi) Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; (vii) Tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu; (viii) Tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Để cụ thể những nhóm chính sách này, trên cơ sở tham mưu của các Bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ, cơ bản để giải quyết những vấn đề căn cơ của ngành nông nghiệp hiện nay.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024, về phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 250 hợp tác xã (HTX), 1.500 tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Đồng thời, thu hút thêm 5% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 10% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp.

Có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Nói về ý nghĩa của Đề án này, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Tôi cho rằng, Đề án là hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đặc biệt là Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".

Ông Hưng cho rằng: Nghị quyết 20 cũng đặt ra mục tiêu cần tăng cường nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, đúng như cương lĩnh của Đảng đã khẳng định, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu.

Việc thực hiện Nghị quyết 20 được giao cho cả hệ thống chính trị, nhiều cơ quan, đoàn thể, ngành chức năng, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam, bởi có tới gần 70% hợp tác xã trên toàn quốc đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên Hội Nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết 20.

Cũng theo ông Hưng, sự thay đổi lớn nhất của khu vực kinh tế tập thể sau khi Nghị quyết 20 được ban hành chính là nhận thức của cả xã hội, cộng đồng người dân, doanh nghiệp về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thay đổi rõ rệt. Những chủ trương, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 20 đã được cụ thể hóa ngay. Ví dụ, từ rất sớm, Luật Hợp tác xã 2023 đã được Quốc hội thông qua giữa năm 2023.

"Tôi cho rằng, có lẽ ít có nghị quyết nào của Trung ương sau khi được ban hành đã ra ngay được Luật Hợp tác xã, các luật khác cũng sửa đổi theo để cho việc triển khai Nghị quyết 20 như Luật Đất đai; các chính sách về thuế, tín dụng, bảo hiểm cũng được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai, điều chỉnh cho phù hợp"- ông Hưng nhận định.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 (Bài 1) - Ảnh 2.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị đối thoại năm 2023. Ảnh: Lê Hiếu

Một chính sách lớn nữa cũng được ban hành sau Hội nghị đối thoại năm 2023, đó là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 về Phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, ngày 11/5/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 69/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Nghị quyết có nêu 6 mục đích, yêu cầu và 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng nông dân, lấy người dân làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Trong Nghị quyết 69, tôi thấy có một nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, tác động đến sản xuất, kinh doanh của nông dân, các hợp tác xã đó là: "Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu".

Theo ông Cường, việc tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chỉ số đánh giá làm cơ sở để tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Tôi cho rằng, nông dân, hợp tác xã sẽ là lực lượng rất quan trọng trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có các loại giống cây trồng.

Đồng bộ các chính sách từ Trung ương đến địa phương

Ngay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, nguồn lực, môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. 

Chỉ thị của Ban Bí thư có nêu rõ, nhiệm vụ giải pháp hàng đầu đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đối với công tác đào tạo nghề, Bộ Lao động- Thương binh xã Xã hội đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37 - CT/TW ngày 10/7/2024 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn".

Chỉ thị yêu cầu: Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hoá, già hoá dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế quản lý tài chính; đánhgiá hiệu quả hoạt động, xếp loại; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối vớicác khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay củaQuỹ Hỗ trợ nông dân quy định tại Nghị định số 37.

Các Bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin và Truyền thông , Tài nguyên và Môi trường, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tiếp tục ban hành nhiều chính sách cụ thể thuộc chức năng, nhiệm vụ của gành được giao.

img

Nông dân trao đổi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023.

Nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, chiếm 66% kim ngạch xuất siêu toàn nền kinh tế

Có thể khẳng định, thông điệp của Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân trong ngày cuối của năm 2023 đã tạo động lực, khí thế mới cho các bộ ngành, địa phương cùng người dân tích cực vào cuộc triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng bộ, thống nhất về cơ chế.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách đã giúp tạo điều kiện, nguồn lực, môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh, phục hồi và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, tiếp tục duy trì tăng trưởng, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tính đến hết tháng 9 năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% (chiếm khoảng 66% kim ngạch xuất siêu toàn nền kinh tế trong tổng số 20,8 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp, ước đạt 3,1-3,2 tỷ USD.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 (Bài 1) - Ảnh 3.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Huỳnh Xây.

Theo đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn thu được một số kết quả nổi bật, cụ thể: Việc phê duyệt và triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS tăng 21%, duy trì xuất siêu trung bình mỗi tháng trên 1,5 tỷ USD.

Số sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tiếp tục tăng đều qua các tháng; lần đầu tiên có 11 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện Bộ NNPTNT đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng lực lượng nông dân tri thức, chuyên nghiệp. Qua đó, tạo nền tảng để thực hiện chuyển đổi nông nghiệp bền vững, trong đó chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Còn tiếp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem