Đồng bằng được xác lập, cũng là lúc các dòng sông hình thành, có lẽ dòng sông Hồng là con sông lớn nhất đã chuyển tải phù sa lấp đầy các vùng đất còn lầy lội. Cùng với sông Hồng là cả một hệ thống sông ngòi dày đặc chuyên chở phù sa màu mỡ. Những nhóm người từ vùng cao tràn xuống trung du khai phá, trồng lúa, dựng xóm dựng làng. Khi đó vào khoảng cách đây gần 4.000 năm.
|
Bến sông ở Nam Định xưa. Chụp cuối TK 19. |
Trung tâm quần tụ đầu tiên của người Việt chính là vùng ngã ba sông Hồng - Đà - Lô. Khi đó, người Việt cổ đã thành thạo đúc đồng, dệt vải, đánh cá, săn bắn. Ven các dòng sông lớn, tìm được nhiều chứng tích của rìu đồng, đục đồng, lưỡi câu đồng, các loại đồ trang sức bằng đá ngọc.
Từ công cuộc khai phá vùng trung du, người Việt tiến dần xuống vùng đồng bằng thấp hơn, nhưng cũng dần dà mầu mỡ hơn, thích hợp với việc trồng lúa. Vì thế, trung tâm quần tụ thứ hai của người Việt cũng dịch chuyển dọc sông Hồng mà về vùng ngã ba sông Hồng - sông Đuống. Chính vị trí Cổ Loa của An Dương Vương được chọn vì lẽ đó.
|
Bến sông ở Hà Nội năm 1885. |
Cái địa lợi của châu thổ Bắc Bộ vào thời văn hoá Đông Sơn, cách đây hơn 2.000 năm là đất đai phì nhiêu, lại nằm vào đoạn giữa của sông Hồng, nơi thuận tiện giao lưu văn hoá với vùng Vân Nam Trung Quốc, lại có hệ thống sông ngòi chảy ra biển để tiếp nối cho người Việt từ đây giao lưu với vùng ven biển Trung Quốc và cả các nước Đông Nam Á.
Nhiều trống đồng từ vùng châu thổ Bắc Bộ đã có mặt ở nhiều nơi vừa kể, đóng vai trò "đại sứ" văn hoá của người Việt cổ đi muôn nơi, mà cũng chủ yếu theo đường sông và ven biển. Cũng cần ghi nhận một điều là một số đồ đồng đẹp nhất tiêu biểu cho nghệ thuật kỹ thuật của người Việt cổ lại được phát hiện ở ngay bờ sông Hồng như trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, hay mới nhất là 2 trống đồng tìm được ở bờ tả sông Hồng thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
|
Bến sông ở Đoan Hùng (Phú Thọ) cuối TK 19. Ảnh: Từ kho tư liệu Viện Khảo cổ học. |
Vào thời Bắc thuộc, vai trò của các chi lưu sông Hồng lại trở nên quan trọng. Dòng sông Đuống và các con sông Dâu, sông Tiêu Tương chắc hồi xưa phải rộng hơn bây giờ nhiều mới có thể là con đường huyết mạch thông ra biển lớn giao lưu với thế giới văn minh Ấn Độ.
Các con sông xứ Bắc góp phần không nhỏ tạo nên bề dầy của xứ Kinh Bắc với các làng quan họ đôi bờ. Cũng ở đây, đã là quê hương của Vương triều Lý vùng châu Cổ Pháp. Xuôi xuống phía hạ lưu, chính bên bờ tả ngạn sông Hồng, nơi hiện là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cũng là nơi phát tích triều Trần.
Bên hữu ngạn sông Hồng, vùng đất Đường Lâm cũng hình thành một phong cách văn hoá Xứ Đoài của văn minh Việt. Vùng đất này cũng là nơi sản sinh ra hai vua cuối thời Bắc thuộc là Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Chi lưu của sông Hồng là sông Đáy, cũng là một dòng sông quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn minh của người Việt... Nhưng hơn hết, bên bờ hữu ngạn sông Hồng đã có một vùng đất Hà Nội, đất đế đô của muôn đời...
|
Hình khắc gỗ chèo thuyền trên song cửa đình Phù Lưu thế kỷ 17. |
Nói đến cái nôi của văn minh người Việt, tất yếu phải nói đến sông Hồng. Nhưng trong quá trình khai phá và phát triển của người Việt thời cổ, không thể không nhắc đến sông Mã và sông Lam trong thời văn hoá Đông Sơn. Cả ba lưu vực sông Hồng và hai con sông vừa kể mới làm nên một sắc thái Đông Sơn đầy đủ nhất, thống nhất trong đa dạng.
Cũng cần phải nhắc lại là nền văn minh Đông Sơn lấy tên một làng nằm ngay bờ sông Mã gần ngay cầu Hàm Rồng, nay thuộc địa giới TP. Thanh Hoá. Đôi bờ sông Mã, sông Chu của xứ Thanh cũng tìm được nhiều làng mạc của người Đông Sơn và khá nhiều trống đồng. Ngay bên bờ sông Hiếu, một chi lưu của sông Lam, cũng có một làng cổ của cư dân Đông Sơn khá sầm uất, có tên là Làng Vạc với một khu mộ có nhiều trống đồng và các tượng đồng quý giá. Trong tiến trình lịch sử, hai con sông Mã và sông Lam cũng đã sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt, đóng góp cho nền văn minh Việt Nam và công cuộc dựng nước và giữ nước.
Trước khi có cuộc sinh thành sông ngòi thì vùng châu thổ Bắc Bộ bây giờ còn là biển mênh mông. Thời đó cách đây khoảng gần 6.000 - 7.000 năm, thời mà các nhà địa chất gọi là biển tiến Flandrian. Sau biển tiến là biển lùi. Nước biển dần rút đi cho đến tận ngày nay và lịch sử của các dòng sông cùng lịch sử nguời Việt nơi đây mới bắt đầu.
PGS.TS Trịnh Sinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.