Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19

Vinh Hải - Hồng Nhân Thứ năm, ngày 19/03/2020 13:48 PM (GMT+7)
Nhiều nữ nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài dặn nhau mang theo một bộ quần áo sạch trước khi đi làm. Hết ca trực, họ khử khuẩn, thay bộ đồ đồ mới trước khi ra về, để hạn chế thấp nhất khả năng mang mầm mống dịch Covid-19 về nhà.
Bình luận 0

Trường hợp F1.1

Hết ca trực ngày 18/3, Dương Quốc Việt (31 tuổi) được phép cởi bộ quần áo bảo hộ kín như bưng. Bộ đồ bảo hộ màu trắng với bịt đầu, khẩu trang, găng tay, bọc giày và kính nhựa được Việt mặc liên tục từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Việt không phải nhân viên y tế, anh là nhân viên an ninh hàng không thuộc Đội Trật tự an ninh ga Quốc tế, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Việt cùng các đồng nghiệp phải mặc đồ bảo hộ trong suốt ca trực kể từ khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Dương Quốc Việt (đứng) chùm bộ đồ bảo hộ kín mít để phòng dịch Covid-19 khi hỗ trợ hành khách, không còn nhận thấy bộ đồng phục quen thuộc

"Hôm nào cởi đồ bảo hộ ra, bộ đồng phục cũng ướt đẫm mồ hôi anh ạ" – Việt nói.

Bộ đồ bảo hộ là trang bị Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cấp cho nhân viên làm việc tại khu vực đón khách nhập cảnh của nhà ga Quốc tế để phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyến bay quốc tế chở khách từ Châu Âu về sân bay Nội Bài ngày càng tăng. Phương án phòng chống dịch Covid-19 được Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chuẩn bị từ trước, ngay lập tức được kích hoạt.

Sân bay Nội Bài đón các bác sỹ, nhân viên y tế từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.Hà Nội đến chung tay chống dịch.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Từ đầu tháng 3/2020, lượng khách từ vùng có dịch Covid-19 về Việt Nam ngày càng tăng, các Cảng hàng không quốc tế trở thành tuyến đầu đón nguy cơ dịch bệnh về Việt Nam.

Từ đầu tháng 3/2020, lượng khách từ vùng có dịch Covid-19 về Việt Nam ngày càng tăng, các Cảng hàng không quốc tế trở thành tuyến đầu đón nguy cơ dịch bệnh về Việt Nam.

Tối 6/3, Bộ Y tế phát đi thông tin về việc phát hiện bệnh nhân số 17 dương tính với Covid-19, đây cũng là trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Hà Nội.

Bệnh nhân số 17 đi trên chuyến bay Vn54 từ Anh về Việt Nam, hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3.

"Từ thông tin của cơ quan chức năng, chúng tôi phải rà soát lại camera ngày máy bay hạ cánh, để kiểm tra những ai đã tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17 để thực hiện cách ly" – anh Việt nhớ lại.

Những ngày sau, thông tin về các trường hợp nhiễm Covid-19 trên chuyến bay Vn54 liên tiếp được công bố. Những cán bộ, nhân viên làm việc ở Nhà ga quốc tế, sân bay Nội Bài lại tiếp tục được được rà soát để xác định trường hợp nào cần cách ly.

"Chúng tôi xác định nguy cơ thường trực, mình là trường hợp F1.1 để có các biện pháp phòng tránh cho gia đình, những người xung quanh. Có người chưa phải cách ly nhưng cũng hạn chế về nhà suốt thời gian qua" – anh Việt cho hay.

Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Nội Bài cũng là lực lượng thường xuyên phải tiếp xúc gần với hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch Covid-19 về.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Những cán bộ, nhân viên đang làm việc ở sân bay Nội Bài phải căng sức hơn nữa để làm giúp phần việc cho các đồng nghiệp đang phải cách ly tạm thời do dịch Covid-19.

Các cán bộ Công an cửa khẩu cũng mặc đồ bảo hộ kín mít, cầm loa đọc tên hành khách lên làm thủ tục. Dòng người kiên nhẫn chờ đến lượt mình. 

"Hơn một tháng nay tôi chưa về nhà để hạn chế tiếp xúc với gia đình, anh em đều căng mình đón khách về Việt Nam" – một cán bộ đang công tác tại Công an Cửa khẩu quốc tế Nội Bài nói.

Những cán bộ, nhân viên đang làm việc ở sân bay Nội Bài phải căng sức hơn nữa để làm giúp phần việc cho các đồng nghiệp đang phải cách ly tạm thời.

Quy trình khai báo, kiểm dịch nhập cảnh tại đây cũng được thay đổi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 ngày càng cấp bách.

Nỗi lo "người sân bay" bị kỳ thị

"Trong đội của tôi, có nhân viên đưa con bị sốt đi khám ở bệnh viện đã bị bác sỹ yêu cầu cách ly luôn khi biết mẹ đang làm việc ở sân bay" – chị Nguyễn Thu Hằng, Đội phó Đội phục vụ Hành khách đến (Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội) mở đầu câu chuyện.

Chị Hằng cho hay, ngoài việc sợ có thể bị lây nhiễm Covid-19, nhiều đồng nghiệp của chị còn lo bị kỳ thị khi nhiều người biết đang làm việc ở sân bay quốc tế – môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Điều này không phải là không có cơ sở. Khi các trường hợp tiếp viên hàng không nhiễm Covid-19 được công bố, thậm chí có khách sạn, chung cư thông báo không cho tiếp viên hàng không thuê dịch vụ.

"Giờ cứ bảo nhân viên hàng không là nhiều người sợ, khổ lắm" – chị Hằng nói.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Các nhân viên y tế của CDC Hà Nội túc trực tại sân bay Nội Bài để kiểm dịch y tế cho hành khách từ vùng có dịch Covid-19; từ ngày 19/3 việc khai báo, lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện tại khu cách ly tập trung.

Đội của chị Hằng là một trong những lực lượng tiếp xúc đầu tiên với các tàu bay từ quốc tế về Việt Nam. Nhân viên dịch vụ mặt đất sẽ gặp tiếp viên, nhận danh sách hành khách và vận chuyển hành lý.

Trong đội có nhiều nhân viên nữ, các chị em đều đã được khuyến cáo biện pháp phòng tránh lây nhiễm Covid-19 để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Các chị còn dặn nhau trước khi đi làm, mang theo một bộ quần áo mới. Hết ca trực thay quần áo, khử khuẩn an toàn rồi mới về nhà. Nhiều người còn hạn chế tiếp xúc với con khi về nhà vì nỗi lo lây nhiễm thường trực.

Cánh đàn ông thậm chí có người còn cẩn thận hơn để bảo đảm an toàn cho người nhà. Nguyễn Thanh Phong (Đội an ninh cơ động) không về thăm nhà ở Quảng Trị từ khi có dịch Covid-19.

"Hơn hai tháng nay tôi chưa về nhà. Trước thi thoảng hai mẹ con có lên thăm nhưng giờ dịch bệnh phức tạp, tôi dặn không lên nữa" – Phong cho hay.

Gần đây, có người bạn của Phong làm việc ở khu vực sân bay Nội Bài đã phải cách ly sau khi được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp F0.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Giây phút nghỉ ngơi tại chỗ của lực lượng y tế chống dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài.

Những chuyến bay "mang bệnh từ trên trời" về Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên. Tối 18/3, Bộ Y tế phải phát đi thông báo khẩn tìm hành khách có mặt trên 14 chuyến bay quốc tế được xác định có bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Tất nhiên, những cán bộ, nhân viên làm việc tại các Cảng hàng không quốc tế đón những chuyến bay này cũng đều được rà soát, cách ly nếu có tiếp xúc gần với bệnh nhân.

"Mọi người ở quê biết mình sống ở Hà Nội, lại làm việc ở sân bay nên giờ chưa dám về quê anh ạ" – Phong cười.

Chuyển giai đoạn

Sau này nhìn lại, có lẽ ngày 18/3 sẽ được coi là một cột mốc trong chiến dịch chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Từ 0h00 ngày 18/3, để phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc thêm cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN.

Trong ngày 18/3, gần 7.000 người từ các vùng có dịch trở về Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế. Chỉ riêng sân bay quốc tế Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 hành khách, chủ yếu là người Việt Nam trở về nước.

Những F1 “dự bị” ở tuyến đầu đón dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Trong ngày 18/3, gần 7.000 người từ các vùng có dịch trở về Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế. Có những hành khách chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh tránh lây nhiễm Covid-19

Chiều 18/3, PV Dân Việt có mặt tại khu kiểm dịch y tế, cách ly của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Các lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 căng sức thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục phòng chống Covid-19.

Nhân viên y tế của CDC Hà Nội trong bộ đồ bảo hộ nghiêm ngặt nhất, lấy mẫu cho từng hành khách nhập cảnh. Họ là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hành khách trở về từ vùng dịch.

Chiều muộn, tranh thủ lúc chưa có chuyến bay hạ cánh, các bác sỹ tranh thủ chợp mắt ngay trên ghế làm việc ở khu vực kiểm dịch y tế.

Dòng người kiên nhẫn, trật tự thực hiện các thủ tục và chờ để được đưa đến khu vực cách ly tập trung.

"Có lúc, xe đón hành khách đi cách ly tập trung xếp dài từ hầm đón ra đến gần cổng" – một nhân viên an ninh hàng không cho hay.

Tối 18/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo: "Từ nay đến ngày 31/3 người dân nên hạn chế ra đường".

"Nếu giống như Trung Quốc, chúng ta phải chiến đấu với dịch trong khoảng 10 tuần nữa. Thời gian cao điểm của thành phố là khoảng 3 - 4 ngày nữa", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dự báo.

22h30 cùng ngày, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 10 trong ngày, nâng tổng số ca dương tính với Covid-19 ở Việt Nam lên 76.

Cùng thời điểm này, tại Trung tâm Khẩn nguy Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cuộc họp giữa lực lượng Công an cửa khẩu quốc tế, Kiểm dịch quốc tế, Hải quan, Quân đội, Bộ GTVT đã đưa ra một quyết định quan trọng.

Theo đó, sẽ không buộc những người phải cách ly tập trung khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay mà thực hiện tại nơi cách ly.

Quyết định này được kỳ vọng sẽ giải tỏa cho các Cảng hàng không Quốc tế, tránh lây nhiễm chéo, không biến các nhà ga Quốc tế thành "ổ dịch Covid-19".

Từ sáng nay (19/3), các lực lượng tại sân bay quốc tế Nội Bài đã tiến hành thực hiện quy trình nhập cảnh theo cách mới, đẩy quy trình nhanh hơn.

UBND TP.Hà Nội dự báo, trong những ngày tới, Thủ đô có thể đón 10.000 người Việt Nam từ các vùng có dịch Covid-19 trở về nước.

Quy trình chống dịch được các cơ quan chức năng cập nhật, đổi mới từng ngày, từng giờ để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

"Có mệt mỏi, căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn làm công việc của mình. Chỉ lo anh em bị cách ly nhiều, không đủ người làm việc. Vì vậy, rất mong bà con trở về nước phối hợp, tuân thủ quy trình thủ tục để bảo vệ bản thân và những người xung quanh" – một cán bộ làm việc ở sân bay Nội Bài nói khi chia tay chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem