Chọn vị trí đào ao
- Vị trí ao nuôi cá nên chọn nơi gần sông, suối để dễ lấy nước và tháo cạn. Nếu chọn được nơi có nguồn nước cung cấp cho ao quanh năm là tốt nhất. Ao nuôi cá có thể sử dụng nước từ sông, suối, hồ chứa, nước mưa, nước giếng.
- Đất đào ao nuôi cá nên chọn nơi có đất sét pha cát, đất thịt, đất sét pha thịt vì các loại đất này giữ nước tốt, thấm nước vừa phải và bờ ao có kết cấu bền vững. Ngoài ra, đào ao nơi địa hình hơi dốc sẽ dễ tháo cạn để thay nước. Nếu đất nơi đào ao bằng phẳng, đáy ao thiết kế có độ dốc 0,2 - 0,5%.
|
Nông dân xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình, chăm sóc cá. |
Thiết kế ao
- Hình dạng ao không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá, nên có thể tận dụng mọi địa hình để xây dựng ao. Song, thiết kế ao có dạng hình chữ nhật là tốt nhất, vì dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Kích thước ao nuôi cá thịt thuận lợi nhất là rộng 500 - 1.500m2 và sâu từ 1,5 - 2m. Bờ ao là nơi giữ nước, ngăn chặn cá thất thoát, vì thế phải làm thật chắc chắn và cao hơn mực nước trong ao khoảng 0,5m.
- Khi thiết kế ao nuôi cá phải có hệ thống cấp và tiêu nước. Ống cấp, tiêu nước có thể dùng ống nhựa, bê tông hoặc kim loại.
Chuẩn bị ao nuôi
- Tát hoặc tháo cạn, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn nếu lượng bùn quá nhiều.
- Bón vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và các mầm bệnh bằng cách rải đều từ 7 - 10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao.
- Sau tẩy vôi 3 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao từ 20 - 30kg phân chuồng và 50kg lá xanh cho 100m2 (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh). Lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 - 7kg dìm ở góc ao.
- Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 - 0,4m, ngâm 5 - 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1m. Cần phải lọc nước vào ao bằng đăng hoặc lưới đề phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập.
- Tiếp theo lấy nước vào ao khoảng 30 - 40cm trong 5 - 6 ngày để thức ăn tự nhiên phát triển. Sau đó trong 6 ngày nâng dần mực nước ao đến khi đạt yêu cầu. Khi nước trong ao có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả cá để nuôi.
Sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ:
Phân chuồng: Chất lượng của phân chuồng phụ thuộc con vật nuôi và chất độn chuồng. Phân các loại gia cầm tốt hơn trâu, bò. Phân trâu, bò sẽ tốt hơn phân lợn. Tỷ lệ thường dùng: 100kg phân chuồng + 2 - 3kg supe lân hoặc vôi bột. Có 2 cách bón phân chuồng như sau:
Bón lót: Khi ao chưa ngập nước, rải đều phân khắp đáy ao. Lượng phân bón tuỳ theo vùng đất. Ao vừa mới đào bón lót nhiều hơn ao cũ; ao ở vùng đất cát cần bón lót nhiều hơn vùng đất thịt có thể bón 10-15kg phân/100m2 ao.
Bón bổ sung: Để duy trì lượng thức ăn tự nhiên thông qua việc giữ màu nước ao, cần bón bổ sung theo chu kỳ 5-7 ngày/1 lần. Lượng bón từ 10-15kg phân/100m3 ao/tuần.
Phân xanh: Nhiều loại cây có thể sử dụng như: Dây khoai lang, khoa tây,… nói chung các loại cây lá dễ phân huỷ. Bó thân, lá cây thành các bó, sau đó dìm xuống các góc ao, sau 2-3 ngày vớt cọng phân xanh lên bờ để nước ao khỏi bị thối. Lượng phân xanh bón cho ao trung bình 7-15kg/100m3 nước ao /tuần. Không nên để lá dầm chiếm quá 15% diện tích ao.
Kỹ sư Ô Kim Duy
(Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.