Những hành vi trên cầu hôm đó không phải của người công an nhân dân!

Nam Phong Chủ nhật, ngày 25/09/2016 18:57 PM (GMT+7)
Những hành vi của những cán bộ chiến sỹ trên cầu Nhật Tân hôm đó nhất định không phải là hành động của những người công an nhân dân, những người hàng ngày vẫn thuộc nằm lòng bài học phải kính trọng, lễ phép với dân, thưa ông Giám đốc CA TP.Hà Nội!
Bình luận 0

Thưa ông Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương!

Hai ngày qua, chắc hẳn Thiếu tướng đã nghe báo cáo về vụ nhà báo bị công an hành hung trên cầu Nhật Tân hôm 23.9.

Lực lượng công an xưa nay vẫn luôn được tôn trọng bởi vai trò gìn giữ trật tự, an ninh trong xã hội, giữ gìn cuộc sống yên bình cho nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ CAND thời gian qua đã và đang được lực lượng các cấp ra sức xây dựng với biết bao chiến công hiển hách, với biết bao hy sinh, bao gương điển hình, biết bao nghĩa cử cao đẹp được nhân dân ghi nhận.

Thế nhưng, đáng buồn thay, cũng như bao ngành nghề khác, trong lực lượng CA cũng tồn tại những con sâu đang làm xấu đi phần nào hình ảnh bộ quân phục của ngành.

img

Ảnh cắt từ clip PV báo Tuổi trẻ bị đánh trên cầu Nhật Tân. Nguồn I.T

Pháp luật đã quy định rất rõ, bất kể là ai, vai trò gì đều không có quyền đánh đập hành hung người khác, quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được hiến định.Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhà báo, phóng viên. Đáng buồn hơn, những hành vi phạm pháp đó lại do chính những người thực thi pháp luật thực hiện.

Ngày 21.9, phóng viên Đỗ Thanh Hải của VTC News đến đưa tin về vụ tổ chức cưỡng chế để lấy mặt bằng xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân, nhưng anh Hải đã bị lực lượng CA xã Cư Pô, H.Krông Puk (Đắk Lắk) ra tay, cướp máy ảnh, hành hung khiến phải nhập viện.

Hai ngày sau, ngày 23.9, ngay giữa thủ đô Hà Nội – một nhà báo lại bị công an hành hung công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Anh Trần Quang Thế phóng viên báo Tuổi trẻ - Văn phòng Hà Nội tới hiện trường tìm hiểu về một nghi án trên cầu Nhật Tân theo sự phân công của cơ quan báo chí.Khi anh Thế đang tác nghiệp thì bị cán bộ chiến sĩ CSHS thuộc CA huyện Đông Anh - những người được đào tạo tinh nhuệ, chuyên nghiệp để trấn áp tội phạm lao tới tung những đòn ngón vào người anh.

Những cú thôi sơn, quyền cước như vũ bão của lính hình sự chuyên nghiệp đã khiến anh Thế chảy máu mồm, choáng váng đầu óc. Họ có súng, có còng số 8, được bảo vệ bởi mấy chữ “thi hành công vụ”. Còn nhà báo chúng tôi chỉ có laptop, điện thoại, máy ảnh, máy quay và trách nhiệm đưa đến bạn đọc những thông tin nóng nhất. Rất may là cánh phóng viên hôm đó đã có cái đầu lạnh, bình tĩnh vì nếu chỉ phản ứng lại lực lượng CSHS bằng hành động thôi, rất có thể hậu quả đã là hành vi Chống người thi hành công vụ...

Những hình ảnh xâm phạm thân thể người khác của các chiến sĩ CSHS CA huyện Đông Anh đã được các phóng viên có mặt tại hiện trường ghi lại một cách rõ ràng như vậy, thế nhưng, những lãnh đạo CA huyện Đông Anh khi báo cáo lên cấp trên lại cho rằng đó chỉ là do hiểu nhầm, không có việc xô xát, hành hung phóng viên. Và sau đó, họ tới xin lỗi báo Tuổi Trẻ với một câu giải thích rằng: đó chỉ là thái độ không đúng mực.

Thưa Thiếu tướng, được biết ngành Công an có 5 lời thề danh dự, trong đó có lời thề: "Kính trọng, lễ phép với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân".

Trong trường hợp nếu không phải phóng viên đến tác nghiệp mà là người dân bình thường đến hiện trường vụ việc, thì lực lượng Công an thực thi công vụ cũng phải tôn trọng họ. Phải lễ phép, từ tốn mà rằng đây là hiện trường của vụ án chúng tôi đang phong tỏa, đang khám nghiệm, người dân không được vào đây... chứ không phải là dùng quyền cước, ngón đòn được dạy, được đào tạo chỉ để trấn áp tội phạm đem ra áp dụng với phóng viên, người dân.

Mới đây thôi, ngày 21.9, trả lời một số băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng chống tội phạm năm 2016, Bộ trưởng Tô Lâm đã chia sẻ một số trăn trở của mình trong công tác phòng chống tội phạm, ông nói rằng những vi phạm pháp luật cần được nghiêm trị. Nhân dân rất ủng hộ ông, rất đồng tình với ông rằng mọi vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai cũng cần phải được nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Tôi còn nhớ, năm 2011, TAND quận 12, TP.HCM đã tuyên phạt cô gái trẻ 9 tháng tù vì tội Chống người thi hành công vụ khi cô vung tay tát một chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Năm 2014, hai học sinh tại Hải Phòng đã phải trả giá cho hành động “cướp mũ lưỡi trai" với 2 án tù: 3 tháng 17 ngày tù và 15 tháng tù. Và mới đây là hành vi “cướp bánh mì" ở TP.HCM của hai thanh niên cũng đã bị tuyên án phạt tù 8 tháng 20 ngày và 10 tháng tù...

Đối với quy định trong ngành, vụ việc cán bộ, chiến sĩ CSHS thuộc biên chế Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên Quang Thế đã vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10.4.2012 của Bộ Công an về Điều lệnh, nội vụ CAND. Theo thông tư này thì "Khi quan hệ với các tổ chức, công dân ngoài lực lượng CAND, cán bộ, chiến sĩ CA phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị nơi mình đến quan hệ công tác; giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của lực lượng CAND".

Bên cạnh đó, hành vi cản trở, hành hung phóng viên đã vi phạm Luật Báo chí. Cụ thể, Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Quy định thế nào thì chắc Thiếu tướng cũng nắm rõ.

Thưa Thiếu tướng, người dân tin rằng Thiếu tướng sẽ nghiêm minh trong việc chỉ đạo, xử lý những người đã làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của người công an trong mắt nhân dân, như những gì đã làm nghiêm với tội phạm.

Không thể để những người có tính “du côn”, coi thường sinh mạng, sức khỏe người khác tiếp tục đứng trong hàng ngũ công an, không thể để những con sâu như vậy làm rầu nồi canh.

Không thể xuê xoa với những kẻ hùng hổ đánh người rồi lấp liếm, xin lỗi hòng bao biện cho hành vi côn đồ phạm pháp.

Tôi cũng tin rằng, những hành vi của những cán bộ chiến sỹ trên cầu Nhật Tân hôm đó nhất định không phải là hành động của những người chiến sỹ công an nhân dân, những người hàng ngày vẫn được dạy rằng phải kính trọng, lễ phép với dân, thưa Thiếu tướng!

 * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo ở Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem