Những hình phạt "lạ" của CSGT đối với người vi phạm
Vũ Hiếu
Thứ ba, ngày 31/03/2020 10:38 AM (GMT+7)
Mới đây, CSGT Bắc Giang "phạt" tài xế chống đẩy vì không đeo khẩu trang phòng Covid-19, sự việc này được dư luận quan tâm. Cách xử lý của CSGT nhận được sự đồng tình của nhiều người, tuy nhiên trong quy định pháp luật hiện hành lại chưa có.
Ngày 29/3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 tài xế bị Cảnh sát giao thông (CSGT) phạt chống đẩy. Nguyên nhân được cho là vì tài xế không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.
Theo tìm hiểu, sự việc trên xảy ra trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn qua địa phận khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi với PV, đại tá Đỗ Văn Huyền - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Sự việc xảy ra vào sáng 28/3. Tổ công tác gồm 6 cán bộ thuộc phòng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến cao tốc CT03, từ Km 113 + 985 đến hết Km 132 với nhiệm vụ giải quyết ùn tắc, phòng ngừa tai nạn giao thông, xử lý các lỗi vi phạm đi vào đường cấm, nồng độ cồn, đón trả khách không đúng nơi quy định".
Lúc này, tổ trưởng tổ công tác phân công 2 cán bộ chốt tại cổng khu công nghiệp Vân Trung phòng ngừa ùn tắc giao thông, ngăn cấm hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc.
Đến 7h15 sáng cùng ngày, 2 cán bộ thuộc tổ công tác phòng CSGT phát hiện 3 xe ô tô con dừng, đỗ cho người trên xe xuống để vào khu công nghiệp Vân Trung. Cán bộ phòng CSGT đã yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ và thông báo với lái xe lỗi vi phạm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc.
Sau khi được lực lượng CSGT thông báo lỗi vi phạm, các tài xế có đề nghị gửi cán bộ ít tiền với mong muốn bỏ qua lỗi vi phạm của họ. Các tài xế lấy lý do đường gom vào khu công nghiệp rất hay tắc nên đã quyết định dừng trên đường cao tốc để chủ xe (là những người nước ngoài) vào khu công nghiệp làm việc đúng giờ. Tuy nhiên, cán bộ CSGT đã từ chối nhận tiền và tiếp tục yêu cầu các tài xế nói trên di chuyển.
“Vì thấy những người vừa xuống xe là người nước ngoài và các tài xế đều không đeo khẩu trang nên cán bộ làm nhiệm vụ đã hỏi các tài xế không sợ bị nhiễm Covid-19 khi đang dịch bệnh phức tạp, họ trả lời sức khỏe rất tốt và có thể chống đẩy để chứng minh sức khỏe của mình. Cán bộ làm nhiệm vụ đã đồng ý nên mới có clip trên.
Do thấy các tài xế đã nhận thức được lỗi vi phạm của mình, cán bộ phòng CSGT đã xử lý bằng hình thức nhắc nhở và yêu cầu không tái diễn lỗi vi phạm”, đại tá Huyền thông tin.
Chép phạt 50 lần
Năm 2016, CSGT Đà Nẵng bắt nữ sinh vi phạm chép phạt 50 lần. Theo đó, sự việc xảy ra vào chiều 1/4/2016 tại ngã tư đường Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương (thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Lúc này, hai cô gái trẻ ngoại tỉnh đi xe máy vào đường ngược chiều thì bị tổ công tác yêu cầu dừng xe.
Thay vì xử phạt hành chính (lỗi xe máy chạy ngược chiều phạt 300.000đ – PV), thiếu úy Huỳnh Phước Chiến yêu cầu người cầm lái ngồi tại chỗ chép phạt 50 lần câu “Tôi hứa không đi ngược chiều nữa”.
Sau khi chép xong, người vi phạm được nhắc nhở, tuyên truyền về an toàn giao thông rồi cho đi. Một trong hai cô gái sau đó đã chia sẻ hình ảnh, thông tin về hình thức phạt độc đáo này của CSGT Đà Nẵng lên facebook và được hàng ngàn người ủng hộ, chia sẻ.
“Mỗi ngày có rất nhiều người mắc các lỗi khi tham gia giao thông”, thiếu úy Chiến vừa nói vừa chỉ tay vào tờ giấy chép phạt và cho rằng, tùy vào trường hợp mà CSGT sẽ có cách thức xử phạt phù hợp.
“Hai cô gái này là người ngoại tỉnh, lần đầu đi vào tuyến đường nên không biết. Các bạn lại là sinh viên, khoản tiền nộp phạt có thể là một gánh nặng với họ. Tôi đã yêu cầu họ viết lên giấy lời hứa không tái phạm, viết nhiều lần để ghi nhớ”, thiếu úy Chiến cho biết.
CSGT yêu cầu người vi phạm mua kẹo cao su cho cụ già
Ngày 11/12/2015, mạng xã hội lan tỏa câu chuyện về cách xử phạt có một không hai của cảnh sát giao thông tại Đà Nẵng do Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1994) kể lại.
Hoàng cho biết, vào hôm 9/12, khi đang đi qua ngã tư Trần Phú với Thái Phiên, Đà Nẵng, anh dừng đèn đỏ, lấn vạch kẻ ngang và bị cảnh sát giao thông tuýt còi vào xử lý. Tuy nhiên, cách hành xử bao dung từ lực lượng chức năng khiến Hoàng bất ngờ.
Thay vì lập biên bản xử phạt, sau khi kiểm tra giấy tờ, nhận thấy sự hối cải từ người vi phạm, tổ CSGT Đà Nẵng đã yêu cầu Hoàng chạy theo một cụ bà để mua 50 nghìn đồng kẹo cao su giúp cụ. Hoàn thành “nhiệm vụ”, Hoàng không bị xử phạt nhưng phải hứa không bao giờ tái phạm.
Chưa có trong quy định pháp luật
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Cảnh sát giao thông có nhiều nhiệm vụ, nhưng cơ bản là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn phân công tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, như xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
"Lực lượng CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ", luật sư Tuấn cho biết.
Theo vị luật sư, việc phát hiện hành vi vi phạm luật giao thông, căn cứ chức năng mà luật đã quy định để lập biên bản theo quy định.
"Việc Cảnh sát Giao thông tự ra các biện pháp khác để xử phạt người vi phạm giao thông là chưa đúng pháp luật, dù rằng các biện pháp đó mang tính giáo dục cao, tính nhân văn, nhưng đối với pháp luật của chúng ta hiện hành chưa có quy định cho phép Cảnh sát giao thông thực hiện các biện pháp đó.
Có thể một số biện pháp các nước khác đã áp dụng, vì pháp luật họ cho phép chức năng của cảnh sát giao thông được làm", vị luật sư phân tích.
Luật sư cũng góp ý rằng, trong giai đoạn tới Nhà nước nên có quy định cho phép Cảnh sát giao thông thực hiện các công việc mang tính nhân văn cao và có hiệu ứng răng đe mạnh hơn, mọi người dân phải tuân thủ theo pháp luật.
"Chúng ta có quyền làm những gì mà Luật không cấm, nhưng việc quy định chức năng và nhiệm vụ của mỗi người khi thực thi công vụ phải đúng quy định của pháp luật đã điều chỉnh với chủ thể thực thi, nghĩa là quy trình công tác phải đúng pháp luật", vị luật sư thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.