Những kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Mùa Xuân Thứ sáu, ngày 17/11/2023 18:26 PM (GMT+7)
Ngày 17/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bình luận 0

Clip: Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; các cục, vụ thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của 63 tỉnh, thành phố; đại diện 74 huyện nghèo toàn quốc.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 2.

Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Mùa Xuân.

Về phía tỉnh Lào Cai, có Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường; Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện, thị xã, thành phố.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: Mùa Xuân.

Những kết quả nổi bật trong 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết: Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn.

Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Mùa Xuân.

Chương trình mục tiêu mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75.000 tỷ đồng với 7 dự án được kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình. 

Qua 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, cùng với sự tham gia, ủng hộ tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nên bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong 3 năm đã thực hiện phân bổ, giải ngân vốn thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn đã phân bổ 3 năm là 23.529,867 tỷ đồng, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% so với năm 2021 là 25,91%.

Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). Có 1 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 6.

Hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm hỗ trợ. Ảnh: Mùa Xuân.

Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp,  với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoảng 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo an cư, đã hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 12.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới là 9.598 căn, sửa chữa là 3.279 căn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Tại Hội nghị này, các đại biểu đến từ các tỉnh trên cả nước đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Điểm nhấn là, các ý kiến đều nêu lên vấn đề hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo; bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư phát triển và duy tu, bảo dưỡng cho các xã bãi ngang, ven biển; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; phê duyệt nguồn vốn hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho cả giai đoạn để các địa phương chủ động thực hiện; công tác hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững…

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 7.

Đại biểu huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực sự là cuộc cách mạng của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được nhiều kết quả. Song, điều quan trọng hơn cả, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cán bộ, người dân hết mình, lăn lộn với công việc, với công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.

3 năm qua, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 mặc dù đã đạt được nhiều kết, song đang phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Công tác giảm nghèo vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững; việc triển khai chương trình, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ các dự án, tiểu dự án còn chậm.

Những kết quả nội bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị. Ảnh: Mùa Xuân.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư cho chương trình.

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kịp thời hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện.

Đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Trung ương đã giao trên 4.000 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị các địa phương mạnh dạn giao chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đến tận xã; phấn đấu đến năm 2030, không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Về việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 16 tuổi, điều đáng buồn, dù nguồn vốn đã được bố trí, nhưng việc giải ngân còn rất chậm.

Đối với việc tách hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng giao Cục Bảo trợ, Văn phòng Giảm nghèo xây dựng cơ chế, điều chỉnh quy định để có chính sách hỗ trợ, đảm bảo được cuộc sống của các hộ sau khi tách hộ nghèo.

Các ngành, địa phương cần quan tâm tuyên truyền, để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được lợi ích và tích cực đăng ký tham gia lao động ở nước ngoài.

Trao trọn quyền cho huyện trong việc tự quyết định điều chỉnh các nguồn vốn của các chương trình MTQG, từ nguồn vốn sự nghiệp sang đầu tư công, từ đầu tư công sang nguồn vốn khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem