Những khó khăn, thách thức trong đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới

Hà Giang Thứ năm, ngày 28/09/2023 19:11 PM (GMT+7)
ASXH luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn mỗi nhà nước, mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là của các đảng cầm quyền, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định CT-XH, sự phát triển bền vững của đất nước với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực.
Bình luận 0

An sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới

Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội (ASXH) luôn là chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội (CT-XH) và phát triển bền vững của đất nước.

Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc gửi Quốc hội khoá XV, trong hai năm 2021, 2022, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vùng biên giới cơ bản ổn định trở lại sau thời gian đại dịch Covid-19.

Ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Song hành với đó là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong đó, Chương trình cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm.

Trong lịch sử phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN luôn được Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình ASXH, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN trung bình mỗi năm giảm 3 - 4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, đến nay để phát huy hiệu quả của các chính sách ASXH vẫn còn tồn tại những hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhất là trong công tác quản lý dân cư, người dân cư trú phân tán và xen kẽ nhau; trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng; đất đai và rừng là nguồn sinh kế chủ yếu nhưng do nằm trên địa hình dốc, tỷ lệ diện tích đất tốt, màu mỡ để canh tác thấp, thường xuyên bị thiếu nước, xói mòn, sạt lở... cho nên hiệu quả sử dụng đất không cao (nhiều hộ DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất).

Vùng đồng bào DTTS thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản...

Khó khăn, thách thức

Việc nhìn nhận những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong công tác dân tộc sẽ giúp chúng ta giải quyết tốt, hiệu quả chính sách bảo đảm đời sống, an sinh xã hội của đồng bào DTTS.

Những khó khăn, thách thức trong đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào DTTS khu vực biên giới hiện nay phải kể đến tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Khu vực đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu, một số tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán và vận chuyển trái phép ma túy... là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về an sinh xã hội ở một số địa phương còn yếu. Nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền chưa đa dạng, chưa toàn diện và hiệu quả chưa cao.

Những khó khăn, thách thức trong đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới - Ảnh 1.

Lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chung vui và tặng quà bà con thôn Đăk Tiêng Kơ Tu (xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài 292,522 km (giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3km). Dân số toàn tỉnh khoảng 580 ngàn người, dân tộc thiểu số trên 312 ngàn người chiếm 54,93%, trong đó, có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Toàn tỉnh có có 92/102 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 564/756 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số; 13 xã biên giới. Tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo toàn tỉnh còn 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó, có 15.215 hộ nghèo DTTS.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp tỉnh Kon Tum quan tâm, chỉ đạo. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, biên giới đã có những chuyển biến rõ rệt. Cụ thể như: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu đã được đầu tư, hoàn thiện; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Đặc biệt, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu khu vực biên giới không ngừng được cải thiện, số trẻ em, học sinh huy động ra lớp đạt 99,7%; 100% trạm y tế đã có bác sỹ; 99% xã trên toàn tỉnh đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Mặc dù kinh tế-xã hội đã có nhiều đổi thay tích cực, nhưng do xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới chưa thực sự được đảm bảo và thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS tỉnh Kon Tum vẫn còn chiếm trên 90% số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Trên 7% số hộ DTTS chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 17,2%  hộ gia đình người DTTS ở nhà tạm… dẫn đến việc đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào chưa thực sự bền vững.

Những giải pháp đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào DTTS

Để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và niềm núi nói chung cũng như khu vực biên giới nói riêng, đồng thời thực hiện thành công các mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần có các giải pháp cụ thể.

Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2031; giai đoạn I: 2021-2025. ; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Những khó khăn, thách thức trong đảm bảo quyền an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới - Ảnh 2.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm giúp bà con trong xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang) có thêm thu nhập.

Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối giao thông các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiếu số, nhất là các vùng có khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống.

Tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh góp phần nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm nâng cao thể chất lẫn tinh thần, nâng cao thể trạng tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống…

Đồng thời, thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn. Xác định trọng tâm, trọng điểm của từng Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, dự án, chính sách khác để đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết các khó khăn về kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thuận lợi về điều kiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và vùng biên giới nói riêng.

Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem