Hơn 3.000 tỷ đồng tiếp sức đồng bào DTTS giảm nghèo, vươn lên

TS. Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm UB  về các vấn đề xã hội của Quốc hội) Thứ tư, ngày 15/08/2018 06:10 AM (GMT+7)
Đến quý I.2018, các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt doanh số 3.094 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng phục vụ đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

img

Gần100% hộ đồng bào DTTS được vay vốn

Đến nay, Ngân hàng CSXH quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách và các dự án, tổng dư nợ đạt 177.735 tỷ đồng, với 8,4 triệu món vay của trên 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, trên 1.478 nghìn khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ 43.376 tỷ đồng (chiếm 24,4%/tổng dư nợ), dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 29 triệu đồng (trong khi bình quân chung tất cả các hộ là 26 triệu đồng/hộ).

img

Được vay vốn tín dụng ưu đãi, gia đình anh Đinh Cất  (dân tộc A Rem, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả.  Ảnh: N.N

Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào DTTS tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước quen dần với cơ chế thị trường.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi.

Còn nhiều khó khăn

Ngoài những thuận lợi, chương trình cho vay tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS cũng gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, việc bố trí nguồn vốn đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo; mức cho vay tối đa từng chương trình còn thấp; việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với cơ sở cấp xã đôi lúc còn gặp khó khăn… Ngoài ra, còn một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả; một số hộ đồng bào DTTS vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc… Trong khi đó, tập quán sản xuất và việc sử dụng vốn vào sản xuất của một bộ phận hộ DTTS hiệu quả còn thấp, khả năng mất vốn cao.

Khó khăn điển hình là đối tượng vay vốn hộ DTTS, hầu hết sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...; giá cả biến động, dẫn đến hộ vay sản xuất - kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ.

Ngân hàng CSXH đã kịp thời thực hiện nhiều biện pháp xử lý nợ như: gia hạn nợ tối đa, khoanh nợ, xóa nợ để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi bị rủi ro bất khả kháng; song, vẫn còn những món vay không gia hạn nợ được phải chuyển nợ quá hạn.

Để tháo gỡ những khó khăn này, cần có những giải pháp triệt để. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cần ổn định và duy trì nguồn vốn nhà nước đầu tư cho tín dụng chính sách và bố trí nguồn vốn kịp thời;  UBND các tỉnh, thành phố hàng năm cần bổ sung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để ủy thác qua Ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chính quyền địa phương cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc cần tăng cường sự lãnh đạo, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của Hội cấp dưới, đặc biệt là nhiệm vụ của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem