Những khúc mắc quanh 5 điểm mới của tuyển sinh

Thứ năm, ngày 16/02/2012 09:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 5 điểm mới trong phương án tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 đang được dư luận rất quan tâm. Nhiều người cho rằng cần cân nhắc lại việc ngừng phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” và xác định thời gian xét tuyển.
Bình luận 0

Trường lo “ảo”

Việc “thả cửa” xét tuyển được các trường ĐH, CĐ, đặc biệt khối trường ngoài công lập “vui mừng khôn xiết” bởi nó sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập xung quanh việc tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm. Mặt khác, đây sẽ là cơ hội cho thí sinh thoải mái thời gian để lựa chọn những cơ hội học tập cho mình.

img
Học sinh THPT sẽ có thêm nhiều cơ hội để chọn trường, chọn nghề (minh hoạ).

Em Bùi Xuân Nam (Lang Sơn, Hạ Hoà, Phú Thọ) cho biết: “Năm ngoái thi vào Trường ĐH Giao thông Vận tải em thiếu 2 điểm, xét tuyển NV2 tiếp tục không đỗ vì chọn trường quá cao, NV3 vì sợ trượt nên chỉ chọn liều một trường CĐ, tuy trúng tuyển nhưng vì không thích học nên em quyết định bỏ để về ôn thi lại. Trong khi đó, lớp em có nhiều bạn bằng điểm em, thậm chí kém điểm vẫn đỗ NV vào các trường rất “ngon”. Năm nay có thay đổi này, em tin là mình có thể chọn được trường thích hợp”.

Tuy nhiên, việc không quy định thời gian xét tuyển và số lần xét tuyển cũng khiến lãnh đạo nhiều trường băn khoăn trong việc xử lý thông tin tuyển sinh. Ông Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn lo ngại: “Nếu kéo dài thời gian xét tuyển, hồ sơ ảo sẽ tăng, các trường rất khó xử lý thông tin tuyển sinh”.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Đặng Kim Vui – Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên cho rằng: “Có thể kéo dài thời gian xét tuyển nhưng cần có một mốc để chốt lại chứ không thể đến 31.12 hàng năm gửi báo cáo lên Bộ, sau gửi báo cáo vẫn có thể xét tuyển, như vậy cả các trường và thí sinh đều không chủ động được”.

Thí sinh sợ loạn thông tin

Thông tin về việc Bộ GDĐT không đứng ra phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012” cũng khiến nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang. Vì trên thực tế, đối với nhiều học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đây vẫn là cuốn cẩm nang duy nhất giúp các em tìm hiểu thông tin trường mình định thi.

Thầy Trần Văn Thìn - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn, Bắc Giang phân tích: “Ngay cả cuốn chính thống của Bộ phát hành hàng năm còn có sai sót huống hồ những tài liệu chưa được kiểm chứng. Vì vậy phụ huynh và thí sinh sẽ phải cân nhắc khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh”.

Thầy Nguyễn Văn Nam – giáo viên một trường THPT tại Hải Hậu, Nam Định cho rằng: “Nhiều học sinh trường tôi còn truyền tay nhau những cuốn cẩm nang phát hành từ nhiều năm trước để cân nhắc chọn trường, chọn khoa. Không phải em nào cũng biết ngay từ đầu mình sẽ học ngành nào của trường nào. Vì vậy, nếu chỉ tra trên Internet tôi e rằng không đủ”.

Mặt khác, theo chị Nguyễn Thu Hà - phụ huynh học sinh Trần Kim Khánh (THPT Ninh Giang, Hải Dương) cho biết: “Đọc trên báo thấy Bộ GDĐT nói nếu có phát hành sẽ không đứng ra đảm bảo thông tin trong cuốn này nữa, vậy thì làm thế nào để học sinh biết thông tin nào là chính xác, thông tin nào không?”.

Lãnh đạo một số trường THPT cũng cho rằng, việc Bộ không phát hành hoặc có phát hành nhưng không đảm bảo thông tin sẽ là cơ hội để các nhà xuất bản, cơ sở không chuyên tham gia in những cuốn “cẩm nang” tương tự, mà chất lượng như thế nào thì không ai kiểm định được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem